Nông - Lâm - Ngư nghiệp [ Đăng ngày (01/02/2021) ]
Ảnh hưởng của naa và ba phun qua lá đến sinh trưởng và chất lượng hoa hồng tường vi (Rosa sp.) trồng chậu
Hoa hồng (Rosa sp.) xuất hiện trên thế giới từ rất lâu và có hơn 20 ngàn giống hoa hồng thương phẩm được lai tạo từ các loài hoang dại và đây là một trong những loại hoa cắt cành mang lại doanh thu cao nhất thế giới (David, 2006).

Hoa hồng thích nghi với nhiều điều kiện khí hậu, được sử dụng phổ biến ở dạng hoa cắt cành và hoa trồng chậu do có nhiều chủng loại với hình dáng, màu sắc và mùi thơm đa dạng (Nguyễn Xuân Linh và Nguyễn Thị Kim Lý, 2005; Nybon, 2009). Ngoài ra, cánh hoa hồng còn được dùng để chưng chất nước hoa và tinh dầu, đồng thời cũng được sử dụng để điều chế mỹ phẩm và thuốc,... (Younis et al., 2006; Đào Thanh Vân và Đặng Thị Tố Nga, 2007; Nybon, 2009). Bên cạnh yếu tố về giống, kỹ thuật canh tác, các nghiên cứu về dinh dưỡng và bổ sung hóa chất nhằm cải thiện năng suất và chất lượng một số giống hoa hồng đã được nghiên cứu và công bố nhưng chủ yếu tập trung trên một số giống hoa hồng cắt cành và hoa hồng tiểu muội còn các nghiên cứu trên hoa trồng trồng chậu vẫn khá ít (Roberts et al., 1999; Saffari et al., 2004; Zmani et al., 2011; Younis et al., 2013). Trong số các giống hoa hồng được trồng phổ biến ở miền Nam Việt Nam, hoa hồng Tường vi được ưa chuộng và canh tác nhiều do thích nghi với điều kiện khí hậu nóng ẩm, hoa có thể được trồng ở dạng hồng bụi hoặc hồng leo, hoa có màu sắc đẹp và mùi thơm nồng, có thể được sử dụng để ly trích tinh dầu và làm nước hoa hồng.


Ảnh minh họa

Tuy nhiên, hoa có đặc tính mau tàn, thời gian nở của hoa khoảng 2-3 ngày, đồng thời cánh hoa rất dễ bị lão hóa và mau rụng. Nhiều nghiên cứu cho thấy sự suy giảm chất lượng cánh hoa có liên quan đến chất lượng giống, sự suy giảm của các hợp chất điều hòa sinh trưởng, đặc biệt là cytokinins và gia tăng tổng hợp ethylenes (Taverner et al., 1999; Nguyễn Quang Thạch et al., 2000; Hoeberichts et al., 2007; Zhang and Zhou, 2013). Việc bổ sung một liều lượng rất nhỏ các chất điều hòa sinh trưởng như auxin, gibberellins và cytokinins… đã giúp điều hòa các quá trình sinh lý thực vật, gia tăng quá trình phân chia và dãn dài tế bào, kích thích hình thành mầm hoa, phá vỡ miên trạng của chồi hoa, làm giảm sự héo, rụng của nhiều loại hoa kiểng (Ramachandrudu and Thangam, 2007; Kumar, 2008; Neha et al., 2012). Theo Saffari et al. (2004), để gia tăng số lượng hoa hồng trên cây có thể bổ sung NAA ở liều lượng 200 ppm, hoặc để hạn chế sự héo cánh hoa của một số giống hoa như cẩm chướng, hoa hồng, hoa petunia thì có thể bổ sung các dạng và liều lượng hợp chất thuộc nhóm cytokinins (Lukaszewska et al., 1994; Taverner et al., 1999; Chang et al., 2003). Tuy nhiên, chưa có nghiên cứu tại Việt Nam được công bố về vai trò của một số chất điều hòa sinh trưởng đến chất lượng hoa hồng trồng chậu, đặc biệt là hoa hồng Tường vi, chính vì vậy, nghiên cứu này được thực hiện nhằm tìm ra dạng và nồng độ hóa chất thích hợp cho sự sinh trưởng và duy trì chất lượng hoa khi nở của hoa hồng Tường vi trồng chậu.

Nghiên cứu do Nhóm tác giả: Phạm Thị Phương Thảo, Bùi Thiện Quang và Lê Văn Hòa Khoa Nông nghiệp, Trường Đại học Cần Thơ; Nguyễn Thị Kiều Mi lớp Công nghệ rau hoa quả và cảnh quan khóa 42, Trường Đại học Cần Thơ

Vật liệu và phương pháp nghiên cứu Thí nghiệm được thực hiện trên hoa hồng Tường vi trồng chậu tại vườn hồng thực nghiệm, đường Nguyễn Đệ, Phường An Hòa, Quận Ninh Kiều, TP. Cần Thơ từ tháng 5 đến tháng 7/2019 (nhiệt độ và ẩm độ không khí trung bình dao động khoảng 29- 30oC và 70-88%).

Đối tượng thí nghiệm: giống hoa hồng Tường vi sau khi chiết cành 1 năm, có 3-4 cành chính (Hình 1B). Cây được trồng trong chậu có chứa giá thể gồm rơm, xơ dừa và tro trấu theo tỷ lệ 1:2:1. Tại thời điểm bố trí thí nghiệm, hoa hồng được cắt cành và còn chừa khoảng 3 mắt lá tính từ gốc cành. Chậu được bổ sung phân hữu cơ khoáng Japon 3.5.3 (Nhật Bản), liều lượng 1 g/chậu, 15 ngày/lần từ thời điểm sau khi cắt cành và phun thuốc trừ sâu Emamectin Benzoate (MIKMIRE 7.9EC - hiệu Trái Cà) ở thời điểm ra lá non (1 lần/vụ). Chậu được tưới nước mỗi ngày 1 lần vào buổi chiều, liều lượng 300 mL/chậu.

Thí nghiệm được bố trí theo thể thức hoàn toàn ngẫu nhiên với năm nghiệm thức gồm: đối chứng (phun nước), NAA và BA ở hai mức nồng độ 25 và 50 ppm. Thí nghiệm có sáu lần lập lại, mỗi lần lặp lại là một chậu hoa hồng có khoảng 3-4 cành trên cây và được cắt tỉa gần đồng nhất với nhau. Thời gian bắt đầu thí nghiệm được tính từ thời điểm cắt tỉa cành hoa hồng. Hóa chất được phun 3 lần/vụ, bắt đầu vào thời điểm 15 ngày sau khi cắt cành, cách 15 ngày bổ sung 1 lần, pha đúng liều lượng và mỗi chậu được phun 100 mL/lần. Nghiệm thức đối chứng được phun nước với thể tích tương tự như các nghiệm thức sử dụng hóa chất. Chăm sóc đồng nhất cho các đơn vị thí nghiệm, tiến hành loại bỏ cành vượt, cành không mang hoa trên thân chính.

Phương pháp đánh giá chỉ tiêu: Các chỉ tiêu thu thập tham khảo theo Mondal and Sarkar (2018) bao gồm: Khảo sát đặc tính lá: đo chỉ số diệp lục tố lá trưởng thành (máy đo chỉ số diệp lục tố SPAD, Nhật Bản) tại thời điểm 5, 10 và 15 ngày sau khi phun (SKP) chất điều hòa sinh trưởng (tương ứng với 20, 40 và 60 ngày sau khi cắt cành). Mỗi lần lập lại được lấy 5 lá trưởng thành và tính số trung bình. Khảo sát đặc tính cành mang hoa gồm: số cành mang hoa/chậu (cành), chiều dài cành (cm) và số cặp lá/cành (cành), được tính từ gốc cành đến cuống hoa; Khảo sát đặc tính của nụ và hoa gồm: chiều cao nụ (cm), đường kính nụ (cm), đường kính của hoa khi nở. Theo dõi thời gian hoa nở và tàn: thời gian hình thành nụ đến hoa nở (ngày) tính từ lúc đọt non có xuất hiện nụ, thời gian từ lúc hoa nở đến hoa tàn (khoảng ½ cánh hoa bị héo rụng) (ngày). Mỗi chậu lấy đặc tính của 3-5 hoa và tính giá trị trung bình.

Kết luận: Sau khi tỉa cắt cành hoa, xử lý NAA và BA ở các nồng độ 25 và 50 ppm ở thời điểm 15, 30 và 45 ngày sau khi cắt tỉa đã giúp gia tăng chỉ số diệp lục tố (SPAD) (>50), tăng chiều cao cành mang hoa (>27 cm), tăng kích thước nụ hoa và kéo dài thời gian hoa nở so với đối chứng. Xử lý NAA và BA ở nồng độ 25 ppm giúp chỉ số diệp lục tố SPAD của lá đạt cao nhất ở thời điểm 30 ngày sau khi cắt cành (53,8 và 54), gia tăng kích thước nụ hoa và đường kính hoa, đồng thời còn giúp kéo dài thời gian nở của hoa hồng Tường vi đến hơn 6 ngày so với không xử lý có giá trị SPAD thấp (<50) và thời gian hoa nở ngắn (khoảng gần 4 ngày). 4.2 Đề xuất Xử lý NAA và BA ở nồng độ 25 ppm cho hoa hồng Tường vi trồng chậu.><50) và thời gian hoa nở ngắn (khoảng gần 4 ngày).

Đề xuất: Xử lý NAA và BA ở nồng độ 25 ppm cho hoa hồng Tường vi trồng chậu. Tiếp tục nghiên cứu ảnh hưởng tương tác giữa kỹ thuật canh tác, phân bón và các chất điều hòa sinh trưởng đến chất lượng của hoa hồng Tường vi trồng chậu.

NTD
Theo Tạp chí Khoa học Trường ĐHCT, Tập 56, Số 2B (2020): 94-99
In bài viết  
Bookmark
Ý kiến của bạn

Video  
 

Video

 



© Copyright 2020 Trung tâm Thông tin Khoa học và Công nghệ - Sở Khoa học & Công nghệ TP. Cần Thơ
Địa chỉ: 118/3 Trần Phú - Phường Cái Khế - Quận Ninh Kiều - thành phố Cần Thơ
Giấy phép số: 05/ GP-TTĐT, do Sở Thông tin và Truyền Thông thành phố Cần Thơ cấp ngày 23/5/2017
Trưởng Ban biên tập: Ông Vũ Minh Hải - Giám Đốc Trung tâm Thông tin Khoa học và Công nghệ - Sở Khoa học & Công nghệ TP. Cần Thơ
Ghi rõ nguồn www.trithuckhoahoc.vn khi bạn sử dụng lại thông tin từ website này
-->