Nông - Lâm - Ngư nghiệp [ Đăng ngày (18/06/2021) ]
Phân lập và đánh giá khả năng phân hủy lá mía của các dòng vi khuẩn trong đất phèn trồng mía ở Đồng bằng sông Cửu Long
Nghiên cứu do tác giả Vũ Văn Long - Trường Đại học Kiên Giang và tác giả Trần Văn Dũng - Trường Đại học Cần Thơ thực hiện nhằm phân lập và đánh giá khả năng phân hủy lá mía của nhóm vi khuẩn bản địa trong đất phèn canh tác mía ở ĐBSCL.

Trong quá trình canh tác mía tại Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), lá mía thường được cày vùi và để phân hủy tự nhiên thông qua quá trình phân hủy sinh học của nhiều loài vi sinh vật trong đất. Sự phân hủy các thành phần trong lá mía hay dư thừa thực vật thường phụ thuộc vào nhiều yếu tố như tính chất lý, hóa học của môi trường đất, phương pháp quản lý đồng ruộng, số lượng và tính chất của tàn dư thực vật, hoặc cấu trúc của cộng đồng vi sinh vật trong đất. Ngoài ra, tốc độ phân hủy của các dư thừa thực vật trong đất còn phụ thuộc lớn vào tỷ lệ C/N của đất và tàn dư thực vật . Một số nghiên cứu trước đây cho thấy tỷ lệ C/N lớn hơn 60 thường làm giảm tốc độ phân hủy các tàn dư thực vật. Cây mía có tỷ lệ C/N khoảng 150, do đó lá mía thường phân hủy rất chậm trong tự nhiên, và khi cày vùi lá mía trực tiếp vào đất sẽ gây bất động dinh dưỡng trong đất.

Đất phèn là một trong hai nhóm đất có diện tích lớn nhất tại ĐBSCL bên cạnh nhóm đất phù sa. Hoạt động của các vi sinh vật trong đất phèn thường bị ảnh hưởng do độ chua và nồng độ độc chất cao. Trong đó, độc chất Al được xem là yếu tố giới hạn sinh trưởng quan trọng nhất đối với cây trồng và vi sinh vật trong đất phèn

Tàn dư thực vật của cây mía có chứa khoảng 40-50% cellulose. Cellulose là một polysaccharide mạch thẳng - một chuỗi của các đường đơn. Do lực liên kết hóa học C-O-C giữa các phân tử đường của cellulose khó bị phá vỡ, nên để phá vỡ cellulose từng bước cần có sự tham gia của một hợp chất hữu cơ đặc biệt là enzyme cellulase. Kết quả nghiên cứu của Johnson và cs (2007) cho thấy, một số dòng vi khuẩn có khả năng sản xuất enzyme  cellulase  để  phân  hủy  cellulose  trong  tàn  dư  thực  vật của cây mía như Cellulomonas cellulovorans, Corynebacterium urealyticum... Tuy nhiên, việc xác định nhóm vi khuẩn trong đất phèn có khả năng phân hủy lá mía còn rất hạn chế. Do đó, nghiên cứu này được thực hiện nhằm phân lập và tuyển chọn các dòng vi khuẩn có khả năng phân hủy nhanh lá mía. Đây cũng là cơ sở quan trọng cho việc sản xuất chế phẩm sinh học phân hủy lá mía nói riêng, các phế phụ phẩm nông nghiệp nói chung, góp phần duy trì độ phì nhiêu cho đất sản xuất nông nghiệp ở ĐBSCL.

Nghiên cứu được thực hiện nhằm phân lập và đánh giá khả năng phân hủy lá mía của nhóm vi khuẩn bản địa trong đất phèn canh tác mía ở ĐBSCL. Mẫu đất được thu thập tại ba vùng đất phèn có diện tích canh tác mía lớn ở ĐBSCL: huyện Bến Lức (Long An), huyện Phụng Hiệp (Hậu Giang) và huyện Hòn Đất (Kiên Giang). Tổng cộng có 6 mẫu đất được thu thập gồm: LA1, LA2, HG1, HG2, KG1 và KG2.

Kết quả nghiên cứu đã phân lập được 18 dòng vi khuẩn có khả năng sản xuất enzyme cellulase phân hủy cellulose gồm: LA2-4b, LA2-1, LA2-4a, LA2-2, KG2-1, KG2-2a, KG2-2b, KG2-3, KG2-20, KG2-21, KG2-22, KG2-24, KG2-26, KG2-27, LA1-1, LA1-2, LA1-3, LA1-7. Tất cả các dòng vi khuẩn được phân lập đều có khả năng phân hủy hữu hiệu lá mía, có tiềm năng ứng dụng vào thực tiễn sản xuất và góp phần cải tạo chất lượng đất phèn ở ĐBSCL. Trong đó, 5 dòng vi khuẩn được chọn (LA1-1, LA2-4a, LA2-4b, KG2-2b và KG2-24) có khả năng phân hủy lá mía cao hơn khác biệt có ý nghĩa (p<0,05) so với nghiệm thức không có vi khuẩn.

Tạp chí Khoa học và Công nghệ Việt Nam - Tập 63 - Số 3 - Tháng 3/2021 (nthang)
In bài viết  
Bookmark
Ý kiến của bạn

Video  
 

Video

 



© Copyright 2020 Trung tâm Thông tin Khoa học và Công nghệ - Sở Khoa học & Công nghệ TP. Cần Thơ
Địa chỉ: 118/3 Trần Phú - Phường Cái Khế - Quận Ninh Kiều - thành phố Cần Thơ
Giấy phép số: 05/ GP-TTĐT, do Sở Thông tin và Truyền Thông thành phố Cần Thơ cấp ngày 23/5/2017
Trưởng Ban biên tập: Ông Vũ Minh Hải - Giám Đốc Trung tâm Thông tin Khoa học và Công nghệ - Sở Khoa học & Công nghệ TP. Cần Thơ
Ghi rõ nguồn www.trithuckhoahoc.vn khi bạn sử dụng lại thông tin từ website này
-->