Nông - Lâm - Ngư nghiệp [ Đăng ngày (09/04/2021) ]
Đặc điểm sinh học, sinh thái và phòng chống loài rệp sáp giả Rastrococcus chinensis (Hemiptera: Pseudococcidae) hại cây ba kích tím (Morinda officinalis How.)
Nghiên cứu do các tác giả Trịnh Xuân Hoạt, Lê Xuân Vị, Lê Thị Tuyết Nhung, Lưu Thị Xuyến - Viện Bảo vệ Thực vật, tác giả Trần Lệ Bích Hồng, Lưu Thị Xuyến - Trường Đại học Nông Lâm Thái Nguyên thực hiện nhằm nghiên cứu về đặc điểm sinh học, sinh thái, diễn biến mật độ quần thể loài rệp sáp giả R. chinensis và đánh giá hiệu lực của một số loại thuốc đối với rệp phục vụ sản xuất bền vững ba kích tím.

Cây ba kích tím thuộc chi Morinda, họ Rubiaceae. Chi Morinda có vài chục loài khác nhau với phần lớn là những cây bụi, gỗ nhỏ hoặc dây leo, phân bố chủ yếu ở vùng nhiệt đới. Đa số các loài thuộc chi này bắt nguồn từ Borneo, New Guinea, phía bắc nước Úc và New Caledonia. Tại Việt Nam, ba kích tím được trồng nhiều tại các tỉnh miền núi phía Bắc với mục đích làm dược liệu chữa bệnh phong thấp, giúp giảm huyết áp, điều trị vô sinh cho nam giới và suy nhược thể lực.

Trên thế giới, chưa có nhiều nghiên cứu về sâu bệnh hại đối với ba kích tím. Tại Trung Quốc, nấm Fusarium oxysporium được xác định là nguyên nhân gây bệnh chết héo cây ba kích tím. Tại Ấn Độ, nấm Colletotrichum spp. được xác định là nguyên nhân gây bệnh thán thư. Tại Việt Nam, đã có một số nghiên cứu xác định nấm Fusarium spp. là nguyên gây ra các triệu chứng như héo vàng trên cây ba kích tím từ giai đoạn cây con đến giai đoạn hình thành củ tại Quảng Ninh và Thanh Hóa, vàng lá, thối rễ cây ba kích tím tại huyện Ba Chẽ [8]. Ngoài ra, nấm Rhizoctonia solani được xác định là nguyên nhân gây bệnh chết rạp cây con tại Thanh Hóa. Tuy nhiên, chưa có công trình nghiên cứu nào liên quan đến sâu hại trên cây ba kích tím tại Việt Nam. Trong quá trình nghiên cứu quản lý sâu bệnh hại trên cây ba kích tím tại Quảng Ninh, chúng tôi đánh giá loài rệp sáp giả Rastrococcus chinensis là đối tượng gây hại quan trọng có khả năng bùng phát thành dịch. Rệp sáp giả là một trong những họ lớn và đa dạng nhất, trong đó có nhiều loài đa thực, gây hại trên nhiều loại cây trồng khác nhau. Ngoài gây hại trực tiếp, rệp sáp giả còn tiết ra độc tố gây hiện tượng vàng, héo và rụng lá; cũng như tiết dịch mật là môi trường thuận lợi cho nấm muội đen phát triển gây ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình quang hợp của cây. Một số loài rệp sáp giả có khả năng truyền một số bệnh vi rút.

Qua thời gian thực hiện, kết quả cho thấy loài rệp này phát triển và sinh sản thuận lợi ở điều kiện 25oC, nhưng không sinh sản khi nhiệt độ tăng lên mức 30oC. Ở điều kiện nhiệt độ 25oC, vòng đời là 75,19 ngày, tuổi thọ của rệp trưởng thành khoảng 81 ngày, thời gian sống khoảng 110 ngày. Trong khi ở điều kiện nhiệt độ 30oC, tuổi thọ của rệp trưởng thành rút ngắn còn khoảng 26 ngày và không có khả năng sinh sản. Hỗn hợp hoạt chất Azadirachtin + matrine (thuốc Golmec 9EC) cho hiệu lực đối với loài rệp sáp giả R. chinensis là 73,44% tại thời điểm 7 ngày sau khi phun và hiệu lực kéo dài đến 14 ngày sau xử lý.

Tạp chí Khoa học và Công nghệ Việt Nam - Tập 63 - Số 2 - Tháng 2/2021 (nthang)
In bài viết  
Bookmark
Ý kiến của bạn

Video  
 

Video

 



© Copyright 2020 Trung tâm Thông tin Khoa học và Công nghệ - Sở Khoa học & Công nghệ TP. Cần Thơ
Địa chỉ: 118/3 Trần Phú - Phường Cái Khế - Quận Ninh Kiều - thành phố Cần Thơ
Giấy phép số: 05/ GP-TTĐT, do Sở Thông tin và Truyền Thông thành phố Cần Thơ cấp ngày 23/5/2017
Trưởng Ban biên tập: Ông Vũ Minh Hải - Giám Đốc Trung tâm Thông tin Khoa học và Công nghệ - Sở Khoa học & Công nghệ TP. Cần Thơ
Ghi rõ nguồn www.trithuckhoahoc.vn khi bạn sử dụng lại thông tin từ website này
-->