Nông - Lâm - Ngư nghiệp [ Đăng ngày (26/10/2020) ]
Thành tựu nông nghiệp công nghệ cao giúp nông dân thụ hưởng giá trị gia tăng sản phẩm nông sản
Tham dự hội thảo “Phổ biến kiến thức ứng dụng tiến bộ kỹ thuật mới vào sản xuất nông nghiệp công nghệ cao” diễn ra vào sáng ngày 23/10, PGS.TS Dương Anh Đức - Phó chủ tịch UBND TP.HCM, nói: Thành tựu nông nghiệp công nghệ cao bao gồm cả việc giúp nông dân thụ hưởng giá trị gia tăng sản phẩm nông sản.

PGS.TS Dương Anh Đức - Phó chủ tịch UBND TP.HCM phát biểu chỉ đạo tại hội thảo.

Khai mạc hội thảo GS.TS. Nguyễn Văn Phước - chủ tịch Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật TP.HCM, cho rằng: mặc dù nông nghiệp chỉ chiếm 1% GRDP toàn Thành phố nhưng đóng vai trò hết sức quan trọng trong đời sống xã hội.

Hiện nay ngành nông nghiệp đang được chuyển dịch theo hướng nông nghiệp đô thị, nông nghiệp công nghệ cao, công nghệ sinh học.

Tuy nhiên, việc ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp còn khó khăn, chưa đạt hiệu quả.

Nguyên nhân là do chi phí làm nông nghiệp công nghệ cao và trình độ tiếp cận của nông dân còn hạn chế.

Chính vì vậy, thông qua hội thảo này, GS.TS. Nguyễn Văn Phước kỳ vọng có thể kết nối các nhà khoa học, các đơn vị nghiên cứu, đào tạo với doanh nghiệp sản xuất nông nghiệp, các nhà nông trong khu vực phía Nam cùng chia sẻ kinh nghiệm, các kết quả, thực tiễn áp dụng kỹ thuật mới trong sản xuất nông nghiệp; góp phần nhanh chóng đưa công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp, tạo điều kiện cho ngành nông nghiếp nước ta phát triển bền vững.


Hội thảo có sự tham dự của Liên hiệp hội các tỉnh

Phát biểu chỉ đạo tại hội thảo, PGS.TS Dương Anh Đức - Phó chủ tịch UBND TP.HCM cho rằng, những năm qua, TP.HCM dành sự quan tâm phát triển nông nghiệp công nghệ cao; trong đó, đã xây dựng Trung tâm công nghệ cao, Trung tâm công nghệ sinh học và các viện trường...

Để phát huy vai trò của các chuyên gia, nhà khoa học, Thành phố khuyến khích đội ngũ này tập trung nghiên cứu lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao để phục vụ sản xuất hàng hóa và trung tâm giống của cả nước.

Thông qua hội thảo, PGS.TS Dương Anh Đức mong muốn đại biểu cùng trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, tìm ra những giống cây, con chất lượng cho TP.HCM; kỳ vọng TP.HCM sẽ trở thành trung tâm sản xuất giống, thành tựu về các nguồn gen quý để hỗ trợ phát triển nông nghiệp công nghệ cao.

PGS.TS Dương Anh Đức cũng chỉ ra một thực tế là hiện nay nông dân chưa hưởng được thành quả xứng đáng trong lao động, vì chủ yếu bán sản phẩm thô; do đó, cần phải xây dựng chuỗi, trong đó lấy nông dân làm nồng cốt, để giúp họ thụ hưởng giá trị gia tăng sản phẩm nông sản, nâng cao đời sống.

Để làm được điều này, các sở, ngành, các hội liên quan cần là đầu mối kết nối các nhà khoa học, các viện trường, các doanh nghiệp, nông dân nhằm phát huy thế mạnh của nhau để phục vụ nền nông nghiệp công nghệ cao.

Tại hội thảo, PGS.TS Dương Hoa Xô - giám đốc Trung tâm Công nghệ Sinh học nhấn mạnh đến kết quả ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao của Thành phố giai đoạn 2010 - 2019. Trong đó, nổi bật là thành tựu trong công tác nghiên cứu, chuyển giao các giống cây - con chủ lực của Thành phố như: rau, hoa, cây kiểng, cây dược liệu…

Bên cạnh những thành tựu về ứng dụng công nghệ cao là tình trạng ô nhiễm nguồn nước, đất đai, không khí do hoạt động chăn nuôi, thủy sản, nông nghiệp gây nên. Về điều này PGS.TS Nguyễn Thị Thanh Phượng – Viện công nghiệp và môi trường, đưa ra hướng khắc phục và ứng phó với ô nhiễm môi trường.


PGS.TS Nguyễn Thị Thanh Phượng – Viện công nghiệp và môi trường đề cập các vấn đề môi trường trong sản xuất nông nghiệp và giải pháp thích ứng

TS. Nguyễn Đăng Nghĩa - Trung tâm Nông nghiệp và Tư vấn nông nghiệp nhiệt đới, cũng nêu lên hiện trạng ô nhiễm môi trường do sử dụng phân bón chưa hiệu quả, và tình trạng lãng phí do hiệu suất sử dụng phân bón còn thấp, dẫn đến lượng phân bón mất đi trong quá trình sử dụng rất lớn.

Vì vậy, để tăng hiệu lực sử dụng phân bón, theo TS. Nguyễn Đăng Nghĩa thì nên sử dụng phân bón thế hệ mới ứng dụng các  công nghệ, như nano; công nghệ vi sinh và Enzym; công nghệ CNC và phức dinh dưỡng Amino Chelate. Ngoài ra, nên sử dụng các loại phân thuộc nhóm: phân tan chậm Osmocote; phân có hoạt chất sinh - hóa học; phân bón được khai thác và chế biên từ nguyên liệu hữu cơ thiên nhiên; phân bón sinh học đa chức năng có hoạt lực cao. 


Có khoảng hơn 200 đại biểu tham dự hội thảo.

Hội thảo cũng đưa ra các sáng kiến, các giải pháp ứng dụng thành tựu nông nghiệp công nghệ cao vào sản xuất, như sử dụng biện pháp sinh học trong quản lý dịch hại cây trồng; trí tuệ nhân tạo và chuyển đổi số cho nông nghiệp; kỹ thuật sản xuất, cung cấp cây giống bằng công nghệ nuôi cấy mô; công nghệ xử lý nhiệt lạnh áp suất cao trong chế biến thực phẩm...

Vỹ Phượng
Theo www.khoahocphothong.com.vn (ntptuong)
In bài viết  
Bookmark
Ý kiến của bạn

Video  
 

Video

 



© Copyright 2020 Trung tâm Thông tin Khoa học và Công nghệ - Sở Khoa học & Công nghệ TP. Cần Thơ
Địa chỉ: 118/3 Trần Phú - Phường Cái Khế - Quận Ninh Kiều - thành phố Cần Thơ
Giấy phép số: 05/ GP-TTĐT, do Sở Thông tin và Truyền Thông thành phố Cần Thơ cấp ngày 23/5/2017
Trưởng Ban biên tập: Ông Vũ Minh Hải - Giám Đốc Trung tâm Thông tin Khoa học và Công nghệ - Sở Khoa học & Công nghệ TP. Cần Thơ
Ghi rõ nguồn www.trithuckhoahoc.vn khi bạn sử dụng lại thông tin từ website này
-->