Khởi nghiệp [ Đăng ngày (05/04/2021) ]
Một số nét chính của Hệ sinh thái khởi nghiệp Châu Á
Cho đến nay, hệ sinh thái khởi nghiệp châu Á lớn nhất và đông nhất trên thế giới, với quy mô kinh tế phát triển nhanh và đạt mức GDP lục địa cao nhất.

Đặc tính của hệ sinh thái khởi nghiệp châu Á chịu ảnh hưởng bởi khu vực địa lý rộng lớn trải dài hơn 45 quốc gia, và tầng lớp trung lưu ngày càng tăng. Điều này thể hiện đặc biệt rõ ở Trung Quốc và Ấn Độ, những quốc gia dự kiến sẽ thống trị các xu hướng thị trường trong tương lai và đồng thời tầng lớp trung lưu mới  nổi  cũng  sẽ   chiếm  mức  đáng  kinh  ngạc   là 87% vào năm 2030 của châu Á.

Rõ ràng là các hệ sinh thái khởi nghiệp ở châu Á đang phát triển vững mạnh và cho thấy tiềm năng phát triển lớn trong tương lai ngay cả khi hiện giờ họ không đứng đầu.

Các quốc gia khởi nghiệp tốt nhất ở Châu Á

Sự đa dạng của lĩnh vực khởi nghiệp đang phát triển mạnh ở châu Á được phản ánh bởi mức không đồng nhất của các quốc gia và hệ sinh thái được trình bày trong Báo cáo xếp hạng toàn cầu năm 2020 mới nhất của Startupblink. Nó bao gồm 118 hệ sinh thái khởi nghiệp có mặt trong Top 100 từ 19 quốc gia  khác nhau. Những nước xếp hạng cao nhất bao gồm các quốc gia tỷ dân như Trung Quốc và Ấn Độ, các quốc gia có thu nhập cao như Australia, Singapore và Nhật Bản, cũng như các nền kinh tế nhỏ hơn ở Đông Nam Á đang bùng nổ. Dưới đây là một số quốc gia liên tục đứng đầu và đang có động lực cũng như hoạt động phát triển mạnh.

Trung Quốc

Trung Quốc có kiểu hệ sinh thái của riêng mình, với một thị trường hướng nội, trái ngược với hầu hết các hệ sinh thái hàng đầu khác tăng trưởng được là nhờ vào mạng lưới toàn cầu của mình. Với việc tập trung chủ yếu vào thị trường tiêu dùng, Trung Quốc cũng trở thành một lựa chọn hấp dẫn và là nơi hái ra tiền cho các nhà đầu tư nước ngoài muốn đặt trụ sở công ty tại Trung Quốc hoặc mở rộng và hướng vào thị trường nội địa Trung Quốc. Các lĩnh vực công nghệ sâu, tự động hóa, robot và AI hấp dẫn nhất đối với các nhà đầu tư mạo hiểm, ngay cả trong thời điểm bùng phát virus corona chưa từng có này. Tuy nhiên, sức mạnh của thị trường nội địa cũng là một trong những hạn chế lớn nhất, khiến cho việc thu hút nhân tài quốc tế trở nên khó khăn. Một số hệ sinh thái khởi nghiệp tăng trưởng nhanh nhất năm 2020 xuất phát từ Trung Quốc, với các thành phố Thượng Hải, Thâm Quyến, Hàng Châu và Quảng Châu thể hiện bước nhảy thần kỳ trong bảng xếp hạng. Sự hội nhập kinh tế của Hồng Kông vào hệ sinh thái Trung Quốc cũng được dự kiến mang lại những thay đổi cho lĩnh vực khởi nghiệp với việc đối xử ưu đãi và miễn trừ chính sách giữa Hồng Kông và Hoa Kỳ đang được đàm phán lại.

Singapore

Singapore từ lâu đã được coi là cường quốc trong lĩnh vực khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo ở châu Á nhờ sự ổn định và các chính sách ưu đãi cho kinh doanh. Mặc dù có quy mô và dân số nhỏ, nước này vẫn giữ được danh tiếng là nơi giao thương hàng hóa và có các liên kết thương mại quốc tế có lợi nhuận và lâu bền. Có vị trí địa lý thuận lợi, Singapore đã đầu tư mạnh vào cơ sở hạ tầng nhằm tạo ra một trung tâm công nghiệp và tài chính mạnh mẽ. Theo Ngân hàng Thế giới, Singapore cũng được xếp hạng thứ 2 trên thế giới về mức độ dễ dàng khởi nghiệp, chỉ sau New Zealand và tự hào có một trong những lực lượng lao động được đào tạo tốt nhất trên thế

giới. Sự phát triển nhanh chóng của giáo dục ở Singapore là kết quả trực tiếp của các chính sách cải cách, coi trọng sự đổi mới và lãnh đạo, với các tiêu chuẩn đầy tham vọng, giảng dạy xuất sắc và khao khát cải tiến và tăng trưởng, đặc biệt là trong các lĩnh vực công nghệ. Ngoài ra, Singapore vẫn giữ được tính năng động đa văn hóa và cởi mở, với thị trường việc làm và mức chi phí sinh hoạt cạnh tranh cao mà mọi người luôn hướng tới, do mức lương cao và chất lượng cuộc sống cao nhất Đông Nam Á.

Các thành phố khởi nghiệp phát triển nhanh ở Châu Á

Ngoài động lực mạnh mẽ của hầu hết các thành phố của Trung Quốc, đặc biệt là Bắc Kinh và Thượng Hải; và hệ sinh thái của Singapore, châu Á còn có nhiều thành phố có thành tích hàng đầu trong khu vực ở lĩnh vực khởi nghiệp.

Thành phố Đài Bắc (Trung Quốc)

Đài Bắc đã đạt một trong những bước tiến đáng kể nhất trong bảng xếp hạng của Báo cáo Toàn cầu năm 2020 của Startupblink, tăng 208 bậc để giành vị trí thứ 42. Khu vực công mạnh và sự hỗ trợ của  chính quyền đã đưa thành phố Đài Bắc vươn tới khởi nghiệp toàn cầu, với việc tập trung vào tăng trưởng và các giải pháp mới chưa bao giờ được thể hiện rõ ràng hơn trong đại dịch virus corona. Đài Bắc đã  công bố phần mềm đổi mới sáng tạo xã hội kỹ thuật số và các dự án dữ liệu mở, đánh bại virus nhờ quan điểm hợp tác và chia sẻ thông tin. Với tốc độ internet cao nhất trên thế giới, ngoài số người dùng internet ngày càng tăng, số người dân hiểu biết về công nghệ của Đài Loan cũng là một nguồn cung nhân tài kỹ thuật và công nghệ chất lượng cao và được đào tạo bài bản. Điều này đã khiến các nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục quan tâm đến tiềm  năng  của  khu  vực. Taiwan Tech Arena là một trong những trung tâm khởi nghiệp công nghệ hàng đầu của Đài Loan, cung cấp các đội mới, chương trình tăng tốc, cố vấn và hỗ trợ tài trợ.

Manila

Manila là một trong những thành phố đông dân nhất trên thế giới, với hơn 12 triệu dân và có trình độ tiếng Anh cao nhất ở châu Á chỉ sau Singapore. Trong 20 năm qua, Philipines đã bước vào ngành công nghiệp khởi nghiệp công nghệ một cách chậm rãi nhưng vững chắc, với các công ty được sáng lập bởi các doanh nhân trẻ mọc lên khắp thành phố. Tầng lớp trung lưu tăng nhanh của Philippines và thế hệ người dùng mạng xã hội trẻ năng động nhiệt tình, cùng với chi phí sinh hoạt thấp, mang  lại  tiềm  năng  to  lớn  cho  hệ  sinh thái. Điều này không chỉ thu hút các nhà đầu tư  nước ngoài muốn đặt trụ sở công ty của họ ở Manila và khai thác thị trường lao động giá cả phải chăng, mà còn cả các doanh nhân trong nước. Thiết lập mối quan hệ nồng ấm với phương Tây, Manila là một hệ sinh thái khởi nghiệp đa văn hóa, thân thiện và cởi mở, chào đón các nhà đầu tư nước ngoài. Tuy vậy, thành phố vẫn chưa tận dụng được thị trường nội địa của mình, đặc biệt là trong lĩnh vực fintech và nông nghiệp. Quá trình chuyển từ vị trí là một trung tâm tự do và gia công sang một trung tâm khởi nghiệp được hỗ trợ bởi nhiều chương trình của chính phủ bao gồm Đạo luật Khởi nghiệp Đổi mới sáng tạo mới được ký kết gần đây, hỗ trợ và thúc đẩy tăng trưởng trong giáo dục và đổi mới sáng tạo trên toàn quốc, đồng thời dỡ bỏ các trở ngại cho hoạt động và mở rộng. Ngoài ra, QBO Innovation Hub đã hiện diện mạnh mẽ ở nhiều nơi trên toàn quốc, với các chương trình khởi nghiệp, vườn ươm và dịch vụ tư vấn cho phép các doanh nhân nắm bắt các quy định của chính phủ một cách hiệu quả.

Điểm mạnh và hạn chế của Hệ sinh thái khởi nghiệp ở Châu Á

Nhìn chung, hệ sinh thái khởi nghiệp ở châu Á bao gồm các hệ sinh thái trưởng thành và phát triển có vị thế toàn cầu, với tư duy văn hóa đang dần trở thành những nền kinh tế cởi mở và mạnh hơn.

Hạn chế

Rào cản lớn nhất để các hệ sinh thái châu Á ra nhập vào đội ngũ những hệ sinh thái hàng đầu thế giới là yếu tố văn hóa của các quốc gia khi nói đến tinh thần khởi nghiệp. Cụ thể, tâm lý ngại rủi ro, tuân thủ các giá trị truyền thống và hệ thống phân cấp trong kinh doanh đều đang kìm hãm tốc độ tăng trưởng. Ngoài ra, việc cố gắng giữ gìn danh tiếng tốt đi ngược lại với những gì mà tư duy của Thung lũng Silicon đã xây dựng nên đế chế của mình. Sợ thất bại là một yếu tố lấn át khao khát thành công và do đó con đường tới những ý tưởng mới sẽ chậm hơn và thận trọng hơn.

Ở cấp độ tư duy, thái độ của các nhà khởi nghiệp ở các trung tâm hoạt động có hiệu quả hàng đầu châu Á, bao gồm Singapore, Trung Quốc và Nhật Bản, cũng như các chuyên gia lớn tuổi và nhiều kinh nghiệm nói chung, thường là có phần lo ngại rủi     ro. Điều này tạo ra một tình huống rắc rối cho các doanh nhân trong việc tiếp cận cố vấn và góp phần tạo nên môi trường hợp tác và cởi mở để có thể đưa ra những phản hồi cần thiết cho những ý tưởng mới ra đời. Ở các quốc gia như Ấn Độ , nhiều nhà nghiên cứu nhận thấy một kiểu thái độ thận trọng và lo sợ mới về những rủi ro lớn, có thể bắt nguồn từ khả năng tiếp cận nguồn vốn dễ dàng trước đây và mong muốn sao chép các phương thức hoạt động của Silicon Valley. Trái ngược với thế hệ các doanh nhân Ấn Độ trước đây vốn dựa vào các giải pháp năng động và sự kiên trì mặc dù thiếu vốn và hệ thống hỗ trợ. Áp lực từ gia đình và cha mẹ mong muốn con mình có một cuộc sống ổn định thông qua làm việc cho một công ty lâu năm thay vì theo đuổi tinh thần khởi nghiệp cũng là một yếu tố quyết định khác ở những nước như Nhật Bản, nơi mà chính phủ đang thực hiện các bước để chống lại văn hóa e ngại rủi ro của nhóm dân số lớn tuổi.

Điểm mạnh

Hệ sinh thái châu Á cũng được định vị tốt về khía cạnh thế mạnh của mình, có thể đóng góp hơn nữa vào sự phát triển hơn nữa trong khu vực.

Kinh tế Kỹ thuật số và Thị trường Tiêu dùng

Khu vực Đông Nam Á nói riêng đang ở tâm điểm của cuộc cách mạng kỹ thuật số khi mà người tiêu dùng đang đón nhận một kỷ nguyên mới, nơi mọi thứ đều có thể truy cập thông qua một nút chạm. Từ sự gia tăng sử dụng điện thoại di động và kết nối internet cho đến các ứng dụng chia sẻ xe và các nhà bán lẻ trực tuyến, một loạt các dịch vụ và sản phẩm mới đang gia nhập thị trường và được áp dụng với tốc độ kỷ lục. Cùng với dân số cao và nhân khẩu học trẻ tuổi đã và đang nhiệt tình đón nhận các phương tiện truyền thông xã hội, các chính phủ và doanh nghiệp có thể làm rất nhiều điều để tối đa hóa lợi ích của thời đại này. Châu Á cũng chiếm một tỷ lệ lớn trong số các nước đang phát triển với thị trường dành cho tầng lớp trung lưu năng động, có thể  chiếm gần 66% dân số toàn cầu vào năm 2030.

Hỗ trợ của Chính phủ

Sự e ngại của những năm trước trong việc khai phá ra những hướng mới trong lĩnh vực đổi mới sáng tạo thay vì dựa vào các công ty do gia đình điều hành lâu đời và các mối quan hệ hợp tác lớn đang dần mất đi trong khu vực. Hầu hết các chính phủ đều áp dụng chung các cơ chế tài trợ và hỗ trợ mới cho phép các cá nhân có định hướng kinh doanh hoạt động thành công và đang tháo gỡ những trở ngại cản trở hoạt động kinh doanh thuận lợi. Các thị trường của Indonesia, Malaysia, Philippines, Thái Lan và Việt Nam đang ngày càng phát triển về quy mô và tiềm năng, đồng thời tận dụng thị trường tiêu thụ mạnh để triển khai các chương trình hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp trong khu vực của họ. Sự phát triển về cấp độ cơ sở hạ tầng và tái cơ cấu theo hướng thu hút nhân tài quốc tế thay vì trở thành trung tâm làm việc tự do và gia công phần mềm là những dấu hiệu rõ ràng cho thấy mức tăng trưởng và tiềm năng dài hạn của khu vực này vẫn chưa đạt đến đỉnh.

Cục Thông tin KH&CN Quốc gia – Bộ KH &CN
Theo Bản tin “Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo”, Số 9.2021 (ntbtra)
In bài viết  
Bookmark
Ý kiến của bạn











 
Video  
 

Video

 



© Copyright 2020 Trung tâm Thông tin Khoa học và Công nghệ - Sở Khoa học & Công nghệ TP. Cần Thơ
Địa chỉ: 118/3 Trần Phú - Phường Cái Khế - Quận Ninh Kiều - thành phố Cần Thơ
Giấy phép số: 05/ GP-TTĐT, do Sở Thông tin và Truyền Thông thành phố Cần Thơ cấp ngày 23/5/2017
Trưởng Ban biên tập: Ông Vũ Minh Hải - Giám Đốc Trung tâm Thông tin Khoa học và Công nghệ - Sở Khoa học & Công nghệ TP. Cần Thơ
Ghi rõ nguồn www.trithuckhoahoc.vn khi bạn sử dụng lại thông tin từ website này
-->