Sinh vật [ Đăng ngày (25/10/2021) ]
Nghiên cứu đầu tiên chứng minh cá mập cảm nhận từ trường để định hướng
Các nhà khoa học tin rằng cá mập, cũng giống như rùa biển và một số loài động vật dưới nước, có thể xác định vị trí và tự định hướng dựa trên từ trường mà chúng cảm nhận được ở dưới lòng đại dương.

Cá mập có khả năng cảm nhận từ trường của Trái Đất giống như thiết bị định vị GPS để định hướng đường đi dưới lòng đại dương. Đây là kết quả nghiên cứu mới được công bố trên tạp chí Current Biology ngày 6/5.

Tác giả chính của nghiên cứu, nhà khoa học Bryan Keller khẳng định kết quả trên đã chứng minh cho lý thuyết đã tồn tại nhiều thập kỷ qua về cách những động vật săn mồi dưới nước di chuyển những quãng đường rất xa, theo một đường thẳng và trở lại chính xác điểm xuất phát ban đầu.

Chính vì yếu tố đó các nhà khoa học đã tin rằng cá mập, cũng giống như rùa biển và một số loài động vật dưới nước khác, có thể xác định vị trí và tự định hướng dựa trên từ trường mà chúng cảm nhận được ở dưới lòng đại dương sâu thẳm. Cho đến nay giới nghiên cứu vẫn chưa thể chứng minh cho lý thuyết đã tồn tại từ lâu này.

Trong nghiên cứu mới, nhóm của Keller quan sát một loài cá mập nhỏ, hay còn gọi là cá nhám đầu xẻng, sinh sống ở Vịnh Mexico. Nhóm nghiên cứu bắt 20 con cá nhám đầu xẻng non và đưa vào một thiết bị mô phỏng các điều kiện từ trường khác nhau, có tên gọi là Merritt coil.

Thiết bị này là một khối gỗ lập phương có gắn mạng lưới dây đồng bên trong, có thể mô phỏng các điều kiện từ trường tương ứng với các địa điểm khác nhau trên Trái Đất. Đúng dự đoán, khi thiết bị mô phỏng điều kiện từ trường tương ứng những điều kiện được ghi nhận ở một địa điểm phía Nam của vị trí cá bị bắt, những con cá mập đã tự định hướng di chuyển về phía Bắc để tìm về vị trí cũ.

Trong khi đó, những con cá mập này sẽ không định hướng di chuyển khi thiết bị mô phỏng điều kiện từ trường giống nơi mà chúng bị bắt.

Tác giả Keller, trưởng dự án của Tổ chức Save Our Seas Florida, khẳng định nghiên cứu trên đã làm rõ cách mà đàn cá mập định hướng một cách chính xác, đồng thời cho rằng khả năng này không chỉ xuất hiện ở loài cá nhám đầu xẻng mà còn ở các loài khác trong họ cá mập.

Chuyên gia Keller dẫn chứng loài cá mập trắng có khả năng di cư từ Nam Phi tới Australia và một năm sau lại trở về đúng địa điểm xuất phát ban đầu ở Nam Phi. Loài cá mập này thực hiện hành trình di cư dài 20.000km trong 9 tháng với một cung đường bơi cực kỳ thẳng.

Chuyên gia Keller cho biết trong các nghiên cứu trong tương lai, ông muốn đánh giá các tác động của từ trường sinh ra từ hoạt động của con người, như việc lắp cáp ngầm dưới đại dương, đối với cá mập.

Nguồn: https://www.vietnamplus.vn/nghien-cuu-dau-tien-chung-minh-ca-map-cam-nhan-tu-truong-de-dinh-huong/711115.vnp
Nguyễn Hạnh
Theo https://www.vietnamplus.vn (ntqnhu)
In bài viết  
Bookmark
Ý kiến của bạn

Tập tục tu báo hiếu học làm người vùng Bảy Núi
Mùa hè cũng là lúc cao điểm số đông thanh niên Khmer (đặc biệt là vùng Bảy Núi, An Giang) bắt đầu vào mùa tu báo hiếu. Đây là một tập tục truyền thống lâu đời mang ý nghĩa báo hiếu ông bà, cha mẹ theo tín ngưỡng Phật giáo Nam tông Khmer của đồng bào Khmer.




Video




© Copyright 2020 Trung tâm Thông tin Khoa học và Công nghệ - Sở Khoa học & Công nghệ TP. Cần Thơ
Địa chỉ: 118/3 Trần Phú - Phường Cái Khế - Quận Ninh Kiều - thành phố Cần Thơ
Giấy phép số: 05/ GP-TTĐT, do Sở Thông tin và Truyền Thông thành phố Cần Thơ cấp ngày 23/5/2017
Trưởng Ban biên tập: Ông Vũ Minh Hải - Giám Đốc Trung tâm Thông tin Khoa học và Công nghệ - Sở Khoa học & Công nghệ TP. Cần Thơ
Ghi rõ nguồn www.trithuckhoahoc.vn khi bạn sử dụng lại thông tin từ website này
-->