Sống xanh [ Đăng ngày (08/05/2018) ]
Người dân Cù Lao Chàm sống như thế nào sau gần 10 năm vắng bóng túi ni lông
Là một trong những hòn đảo xinh đẹp bậc nhất Việt Nam nhưng ít ai ngờ gần 10 năm trước bãi biển Cù Lao Chàm (Quảng Nam) ngập tràn túi ni lông. Bằng quyết tâm của chính quyền và nỗ lực của cộng đồng - ngày 23/5/2009 người dân Cù Lao Chàm đã bắt đầu nói không với túi ni lông. Qua 9 năm đưa vào thực hiện, phong trào này đã được Nhà nước ghi nhận, và là một sản phẩm du lịch độc đáo của địa phương.

Luôn có nhân viên môi trường túc trực ở bến tàu để khuyến cáo du khách không mang túi ni lông ra đảo.

Gần 10 năm thay đổi thói quen

Trước năm 2009, Cù Lao Chàm ngập rác thải sau những lần đón tiếp khách du lịch. Rác do du khách mang tới cũng có, rác do người dân làm du lịch thải ra cũng nhiều... Từ một hòn đảo hoang sơ, sạch bong, Cù Lao Chàm bị ô nhiễm trầm trọng. Khách đến đông dần cũng là lúc Cù Lao Chàm gánh những túi rác khổng lồ. Sau mỗi cơn sóng vỗ, túi ni-lông nổi lềnh bềnh trên mặt biển bị đánh dạt vào bờ.

Thế rồi, trong một lần tìm cách làm sạch Cù Lao Chàm, ông Nguyễn Sự, nguyên Bí thư Thành ủy TP. Hội An lúc bấy giờ đã cương quyết thực hiện kế hoạch “Nói không với túi ni-lông”. 23/5/2009, kế hoạch chấm dứt sử dụng túi ni lông chính thức được thực hiện ở Cù Lao Chàm.

Hành trình khó khăn bắt đầu hiện diện, đầu tiên là chính người dân trên đảo phản đối khi họ bị buộc phải từ bỏ sự tiện lợi do túi ni lông mang lại. Bà Nguyễn Thị Nghĩa, tiểu thương chợ Tân Hiệp, cho biết: “Tui bán thịt mà không được dùng túi ni lông nên cảm thấy vướng víu, khó chịu vô cùng. Cái khó ló cái khôn, ban đầu tui lấy lá chuối bọc thịt lại cho người mua hàng bỏ vào giỏ, không ngờ sạch sẽ và tiện lợi vô cùng. Về sau, lá chuối khó kiếm nên tui chuyển sang gói bằng các lá khác”.

Các chủ tiệm mì Quảng, chè đậu, nước mía… cũng đau đầu không kém khi phải “đoạn tuyệt” với túi ni-lông. “Thế mà mọi chuyện cũng êm xuôi cả. Tui bán mì Quảng trên đảo chục năm nay, có túi ni-lông đựng cũng tiện, không có thì ăn tại chỗ bằng tô. Ai muốn mua về thì mang tô tới, ai ở xa thì đi chợ đem theo cà mèng, rứa là xong” - bà Trần Thị Ba, bán mì Quảng trước chợ Tân Hiệp, nhớ lại.

 
Tấm pano rất ấn tượng ở chợ Cù Lao Chàm.

Hơn 600 hộ dân nơi đây đồng lòng tẩy chay những chất gây hại không chỉ môi trường mà còn có nguy cơ ảnh hưởng tới các thế hệ con cháu của họ sau này. “Loa phóng thanh xã đảo ngày nào cũng nhắc điều đó nên không thấy phiền chi hết. Chúng tôi làm vậy còn là để giữ sạch cho mình. Chẳng ai dám xả rác bừa bãi nữa, ai thấy người ta lại nói thì kỳ lắm,” chị Thành ở xóm trong Bãi Làng nói.

Thậm chí ở chợ còn có tấm bảng với khẩu hiệu “Xách giỏ đi chợ, phong cách của người nội trợ” và hình minh họa nói không với túi nilon, đủ thấy quyết tâm của những người dân Cù Lao xanh thế nào. Bà con dân đảo được thành phố và một số doanh nghiệp hỗ trợ trong việc tăng cường sử dụng túi giấy nên ngày nào cũng có cán bộ tới phát túi miễn phí.

 
Túi ni lông đã biến mất khỏi cuộc sống của người dân đảo xanh gần 10 năm nay.

Đến nay, thay vì tay không ra chợ, các bà nội trợ trên đảo dùng giỏ nhựa được chính quyền cấp phát. Lựa hàng xong, không chỉ đồ khô mà đồ ướt hoặc thấm nước họ cũng bỏ vào giỏ sau khi được gói bằng giấy, lá. “Ban đầu cũng bất tiện nhưng về sau, tôi lại thấy sạch vô cùng. Xài túi ni lông tiện nhưng lại rất dơ” - bà Nguyễn Thị Châu, thôn Bãi Làng, so sánh.

Nhất định nói không với túi ni lông

 
Người dân ký tên nói không với túi ni lông và bảo vệ rùa biển - loài động vật quý hiếm.

Nhằm hỗ trợ cộng đồng giữ vững hơn sản phẩm du lịch độc đáo – Nói không với túi ni lông khi đến Cù Lao Chàm, BQL Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm đã phối hợp với Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN) tại Việt Nam triển khai chương trình truyền thông về tác hại của túi ni lông. Đây cũng là cơ hội để chính quyền địa phương cung cấp thêm cho cộng đồng nhiều thông tin về tác hại của túi ni lông, ảnh hưởng của túi ni lông đến môi trường, trong đó có tác động đến rùa biển - động vật quý hiếm đang có nguy cơ tuyệt chủng trên phạm vi toàn cầu.

Thể hiện quyết tâm bảo vệ môi trường, đa dạng sinh học trong đó có rùa biển, đại diện chính quyền và người dân Cù Lao Chàm đã cùng nhau ký tên nói không với túi ni lông. Tại buổi truyền thông, Ban quản lý Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm đã trao tặng 50 cặp lồng nhằm tăng cường các vật dụng thân thiện thay thế túi ni lông trong sinh hoạt hằng ngày.

Môi trường trong lành, sạch sẽ tại Cù Lao Chàm là điều mà bất kỳ du khách nào khi đến với Cù Lao Chàm đều cảm nhận. Việc nói không với túi nilon tại Cù Lao Chàm không chỉ đã và đang tạo ra một sản phẩm du lịch độc đáo mà qua đó còn góp phần vào bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học tại Khu bảo tồn biển.

Túi nilon xuất hiện cách đây khoảng 150 năm – do nhà hóa học Anh Alexander Parkes phát minh. Sự ra đời của túi nilon đã mang lại nhiều tiện lợi, nhất là trong việc bao gói hàng hóa, song đến thời điểm này túi nilon đang là một vấn nạn môi trường và nhiều quốc gia.

Người ta tính rằng, vứt bỏ một túi nilon chỉ tốn 1 giây, nhưng nếu không có sự tác động bởi nhiệt độ cao của ánh sáng mặt trời thì phải mất từ 500 – 1.000 năm mới có thể phân hủy được. Vì thế túi nilon đang bị coi là một trong những “thủ phạm” nguy hiểm gây ô nhiễm môi trường – sự “ô nhiễm trắng”.


Xem tin gốc
Nguyễn Tố
Theo www.danviet.vn(lntrang)
In bài viết  
Bookmark
Ý kiến của bạn


Video




© Copyright 2020 Trung tâm Thông tin Khoa học và Công nghệ - Sở Khoa học & Công nghệ TP. Cần Thơ
Địa chỉ: 118/3 Trần Phú - Phường Cái Khế - Quận Ninh Kiều - thành phố Cần Thơ
Giấy phép số: 05/ GP-TTĐT, do Sở Thông tin và Truyền Thông thành phố Cần Thơ cấp ngày 23/5/2017
Trưởng Ban biên tập: Ông Vũ Minh Hải - Giám Đốc Trung tâm Thông tin Khoa học và Công nghệ - Sở Khoa học & Công nghệ TP. Cần Thơ
Ghi rõ nguồn www.trithuckhoahoc.vn khi bạn sử dụng lại thông tin từ website này
-->