Vệ tinh [ Đăng ngày (21/01/2019) ]
Nhật Bản thực hiện mưa sao băng nhân tạo
Ngày 18.1 vừa qua, Nhật Bản đã phóng thành công tên lửa đẩy Epsilon-4 lên không gian. Có rất nhiều điều đặc biệt trong lần phóng tên lửa này.

Một ngôi sao băng trên bầu trời nước Đức năm 2015
Trước hết, đây là một lần phóng thành công, các thiết bị đều được đặt trên quỹ đạo đúng theo kế hoạch. Thứ hai, Epsilon-4 đã đưa vào quỹ đạo 7 vệ tinh mini trong chương trình thử nghiệm loại hình vệ tinh với nhiều công nghệ cải tiến.

Nhưng đặc biệt hơn trong số 7 vệ tinh mini này có một chiếc made in Việt Nam, MicroDragon, có nhiệm vụ chủ yếu là chụp ảnh theo dõi chất lượng nước biển ven bờ để phục vụ cho ngành đánh bắt và nuôi trồng thủy, hải sản Việt Nam.

Tính tới 10 giờ sáng ngày 19.1 (giờ Nhật Bản), MicroDragon đã có 3 lần liên lạc với trạm mặt đất tại JASA (Japan Aerospace Exploration Agency, Cơ quan Thám hiểm Vũ trụ không gian Nhật Bản) và Trung tâm Điều khiển tại Đại học Tokyo. Những tín hiệu đầu tiên gởi về, cho biết các thiết bị trên vệ tinh hoạt động bình thường đúng thiết kế và theo kế hoạch sẽ hoạt động ổn định trong khoảng một - hai tuần tới.


Tên lửa Epsilon-4 khi vừa rời bệ phóng
Điều thứ ba cũng đặc biệt không kém là trong số 7 vệ tinh mini mang theo, có một chiếc chứa “pháo hoa”, dự định vào giữa năm tới (2020), sẽ bắn ra để tạo thành một cơn mưa sao băng nhân tạo, lần đầu tiên trong lịch sử loài người.

Theo kế hoạch, vệ tinh này sẽ lên tới độ cao 500 km rồi sau đó hạ dần xuống cao độ 400 km. Dự trù, vào tháng 8.2020, khi bay ngang qua thành phố Hiroshima, vệ tinh sẽ trình diễn màn bắn “pháo hoa” để tạo thành cơn mưa sao băng nhân tạo từ trên không gian.

JASA cho biết, Hiroshima được chọn vì có vị trí địa lý và thời tiết thích hợp. Nhưng cũng có ý kiến cho rằng, hình như người Nhật muốn thực hiện điều này để kỷ niệm ngày Hiroshima bị thả bom nguyên tử, tháng 8 năm 1945.

Nhận trách nhiệm thực hiện cơn mưa sao băng nhân tạo này là công ty ALE (Astro Live Experience), một công ty có trụ sở tại Tokyo. Theo một quy trình kỹ thuật được giữ bí mật, ALE muốn thực hiện giấc mơ toàn cầu này với việc "bắn sao theo trật tự" đúng nơi, đúng tốc độ và đúng hướng.

Các ngôi sao với nhiều màu sắc khác nhau sẽ tỏa sáng trong vài giây trước khi cháy hết. Theo phát biểu của chủ tịch ALE Lena Okajima, nếu mọi việc suôn sẻ và bầu trời trong trẻo, cơn mưa sao băng năm 2020 có thể được nhìn thấy bởi hàng triệu người, bao gồm cả ở các khu vực xa xôi cũng như các đô thị tràn đầy ánh sáng như Tokyo.


Ảnh đồ họa cho thấy khi xuống tới độ cao 70 km, vệ tinh (khối vuông góc trên bên phải) sẽ phóng ra cơn mưa sao băng và người dưới đất trong vòng 200 km đều có thể nhìn thấy
Cụ thể, sau khi bay nhiều vòng quanh trái đất, vào thời điểm ấn định, vệ tinh sẽ hạ xuống độ cao 70 km rồi phóng ra 400 vật thể có chứa vật liệu plasma sẽ phát sáng khi tiếp xúc với tầng khí quyển. Với số lượng 400 vật thể này, đủ để tạo ra 20 cơn mưa sao, và người dân dưới mặt đất, trong khu vực đường kính 200 km, sẽ có thể thưởng ngoạn được màn mưa sao băng này.

Cũng cần biết thêm rằng, khi nhận thực hiện chương trình này, ALE không chỉ muốn giới hạn trong lãnh thổ Nhật Bản mà còn muốn quảng cáo loại hình này ra thế giới. Cũng theo chủ tịch ALE là Lena Okajima, đồng thời cũng là một tiến sĩ thiên văn học, khách hàng có thể lựa chọn màu sắc, kích cỡ của “sao”, và do mỗi sao chỉ cháy trong vài giây, mọi thứ còn lại sẽ bị thiêu cháy hết khi rơi xuống trong bầu khí quyển nên hoàn toàn không có gì nguy hiểm.

Ngoài ra các sao cũng có thể được “giao hàng” tại bất cứ không gian yêu cầu nào với chi phí mọi thứ cho hai vệ tinh vào khoảng 20 triệu USD. Và đây chính là một đóng góp cho khoa học công nghệ dưới hình thức giải trí.

dnttrang
Theo khampha.vn (ntbtra)
In bài viết  
Bookmark
Ý kiến của bạn





Video




© Copyright 2020 Trung tâm Thông tin Khoa học và Công nghệ - Sở Khoa học & Công nghệ TP. Cần Thơ
Địa chỉ: 118/3 Trần Phú - Phường Cái Khế - Quận Ninh Kiều - thành phố Cần Thơ
Giấy phép số: 05/ GP-TTĐT, do Sở Thông tin và Truyền Thông thành phố Cần Thơ cấp ngày 23/5/2017
Trưởng Ban biên tập: Ông Vũ Minh Hải - Giám Đốc Trung tâm Thông tin Khoa học và Công nghệ - Sở Khoa học & Công nghệ TP. Cần Thơ
Ghi rõ nguồn www.trithuckhoahoc.vn khi bạn sử dụng lại thông tin từ website này
-->