Phát minh mới [ Đăng ngày (23/08/2021) ]
Máy lọc không khí khử khuẩn trong nhà hỗ trợ phòng, chống dịch bệnh
Để góp phần mang không khí sạch đến mọi nhà, nhóm học sinh tại Hà Nội đã thực hiện thành công Đề tài "Mô hình máy khử khuẩn, khử virus, lọc không khí và khử mùi trong lớp học và hộ gia đình."

Để góp phần mang không khí sạch đến mọi nhà, cải thiện chất lượng không gian sống và sức khỏe cộng đồng trước tình trạng ô nhiễm môi trường ngày càng nghiêm trọng, nhóhọc sinh tại Hà Nội đã thực hiện thành công Đề tài "Mô hình máy khử khuẩn, khử virus, lọc không khí và khử mùi trong lớp học và hộ gia đình."

Nhóm học sinh trên gồm em Lê Thị Thanh Huyền và Trần Lan Chi lớp, 11 D2, Trường Trung học Phổ thông Cầu Giấy cùng 3 em Nguyễn Khánh Linh, Hồ Nguyên An và Nguyễn Quang Minh, lớp 8E, trường Trung học Cơ sở Tô Hoàng.

Đề tài này đã giành giải Ba tại Cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên nhi đồng toàn quốc lần thứ 16 năm 2020 do Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, Quỹ hỗ trợ sáng tạo kỹ thuật Việt Nam (VIFOTEC) tổ chức.

Đại diện nhóm tác giả, học sinh Lê Thị Thanh Huyền lớp 11D2, Trường Trung học Phổ thông Cầu Giấy cho biế, trước tình trạng ô nhiễm không khí ở Hà Nội luôn ở mức "báo động tím," chúng em cũng nhận thấy trong ngôi nhà luôn có nhiều bụi và xuất hiện những mùi ẩm mốc gây khó chịu. Vì thế em cùng các bạn đã nghĩ ra ý tưởng làm ra một thiết bị có thể diệt khuẩn, virus, lọc không khí và khử mùi dùng trong lớp học và hộ gia đình.

Hệ thống thiết bị có máy khử khuẩn, khử virus, lọc không khí và khử mùi được dùng trong lớp học và hộ gia đình gồm: ống lưới hình trụ, được hàn chắc với vỏ máy, đường kính ống lọc bụi và vỏ máy 190mm được chế tạo bằng vật liệu SUS 304 (thép không gỉ). Bên trong ống lưới lắp màng lọc bụi không khí.

Bên trong vỏ máy lắp quạt hút đẩy không khí công suất 30W, 2 bóng đèn UV phát ozone <0.08ppm (Ppm là đơn vị đo nồng độ hóa học trong dung dịch nước). Mỗi bóng có công suất 15W. Mặt ngoài vỏ máy lắp công tắc điện. Các thiết bị tiêu thụ điện có điện áp 220V được kết nối với công tắc điện và phích cắm để kết nối với nguồn điện khi sử dụng.

Nguyên lý hoạt động của hệ thống được kết nối phích cắm điện với ổ cắm điện có điện áp 220V. Sau đó bật công tắc điện, kiểm tra đảm bảo chắc chắn quạt hút đẩy và 2 bóng đèn UV đã hoạt động.

[Hà Nội rời nhóm 10 thành phố có không khí không tốt cho sức khỏe]

Không khí chưa sạch sẽ được hút qua màng lọc bụi nhờ quạt hút đẩy. Màng lọc thô có tác dụng loại bỏ bụi bẩn to sau đó đến lọc mịn 2.5PM để làm sạch không khí, khi không khí đi qua các lớp lọc để làm sạch bụi bẩn tiếp đến là lớp than hoạt tính dùng để khử mùi trong không khí. Lúc này gió qua quạt là không khí sạch vẫn chưa được tiệt trùng. Sau đó không khí sạch tiếp tục được quạt đẩy qua 2 bóng đèn UV phát ozone <0.08ppm mỗi bóng có công suất 15W.

Virus, vi khuẩn sẽ bị tia UV, ozone phát ra từ 2 bóng đèn UV phát ozone <0.08ppm tiêu diệt. Không khí sau khi ra khỏi máy là không khí sạch đã được diệt virus, vi khuẩn. Với chiều cao của quạt cộng với chiều dài của đèn UV, không khí thổi càng lâu càng sạch. Lượng ozone phát tán trong không khí có tác dụng khử mùi và diệt các loại vi khuẩn, vi sinh vật… gây mùi khó chịu.

Chia sẻ về những khó khăn trong quá trình thực hiện đề tài, học sinh Lê Thị Thanh Huyền cho biết trong quá trình lên ý tưởng và thực hiện đề tài, nhóm gặp khó khăn về kinh phí trong xây dựng mô hình và không có kinh nghiệm.

Kiến thức về virus, vi khuẩn và tia UV đều là những nội dung mới lạ và không được học nhiều ở trường. Tuy nhiên, nhờ có sự giúp đỡ của thầy cô, các chuyên viên kỹ thuật cũng đã góp ý cho mô hình của nhóm, vì thế chúng em đã thực hiện thành công đề tài này.

Theo Giáo sư Nguyễn Xuân Huy, Hội Tin học Việt Nam, ozone với khả năng oxy hóa cực mạnh có tác dụng lọc không khí, khử mùi hôi tanh giúp lọc sạch bụi bẩn. Khí ozone có khả năng khử mùi trong phòng bếp, mùi điều hòa, khói thuốc… và đặc biệt hơn nó có thể diệt các loại vi sinh vật có trong không khí.

Chắc chắn việc sử dụng khí ozone sẽ tốt hơn hẳn so với các loại bình xịt phòng. Bởi vì, bình xịt phòng và các loại thuốc tổng hợp từ các loại hóa chất thơm, làm át đi các mùi khó chịu, nhưng lại không tiêu diệt hoàn toàn nguyên nhân gây mùi là từ các vi khuẩn, nấm mốc…

Đánh giá cao về đề tài, Giáo sư, Tiến sỹ Đặng Kim Chi, Viện Khoa học công nghệ và Môi trường, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội cho rằng mô hình của nhóm học sinh Hà Nội có tính sáng tạo, tính mới và khả năng ứng dụng rộng rãi trong điều kiện của Việt Nam. Đáng chú ý là mô hình máy này sẽ giúp lọc không khí, diệt khuẩn, giúp môi trường không khí xung quanh sạch sẽ hơn và sẽ tiết kiệm được chi phí đảm bảo thân thiện với môi trường./.
Xem tin gốc tại đây: http://https//www.vietnamplus.vn/may-loc-khong-khi-khu-khuan-trong-nha-ho-tro-phong-chong-dich-benh/735071.vnp

Lý Thanh Hương
Theo vietnamplus.vn (ntptuong)
In bài viết  
Bookmark
Ý kiến của bạn

Phát minh mới  
 
Chế phẩm vi sinh giảm histamine: "Giải nguy" nước mắm truyền thống
Ngoài mục đích giải quyết bài toán về tiêu chuẩn sản xuất, việc thực hiện những nghiên cứu như giải pháp giảm histamine trong nước mắm của TS. Trần Thị Thu Hằng và các cộng sự ở Học viện Nông nghiệp Việt Nam được kỳ vọng giúp nước mắm truyền thống trở về đúng vị trí của mình trên thị trường hơn 90 triệu dân.


 

Video




© Copyright 2020 Trung tâm Thông tin Khoa học và Công nghệ - Sở Khoa học & Công nghệ TP. Cần Thơ
Địa chỉ: 118/3 Trần Phú - Phường Cái Khế - Quận Ninh Kiều - thành phố Cần Thơ
Giấy phép số: 05/ GP-TTĐT, do Sở Thông tin và Truyền Thông thành phố Cần Thơ cấp ngày 23/5/2017
Trưởng Ban biên tập: Ông Vũ Minh Hải - Giám Đốc Trung tâm Thông tin Khoa học và Công nghệ - Sở Khoa học & Công nghệ TP. Cần Thơ
Ghi rõ nguồn www.trithuckhoahoc.vn khi bạn sử dụng lại thông tin từ website này
-->