Sức khỏe [ Đăng ngày (20/10/2021) ]
Thuốc điều trị COVID mới giảm một nửa nguy cơ nhập viện và tử vong
Một loại thuốc kháng virus - do công ty Merck và công ty Ridgeback Biotherapeutics của Mỹ sản xuất - giúp giảm một nửa số ca nhập viện và tử vong ở những bệnh nhân được chẩn đoán mắc COVID, theo kết quả thử nghiệm do nhà sản xuất công bố ngày 1/10.

Molnupiravir. Merck cho biết họ dự định xin cấp phép sử dụng thuốc càng sớm càng tốt trên khắp các nước.

Nếu được cấp phép sử dụng, thuốc này, có tên là molnupiravir, sẽ là thuốc uống đầu tiên có hiệu quả chống lại COVID-19, đánh dấu một bước tiến quan trọng trong cuộc chiến chống lại đại dịch. Có một số loại thuốc khác đã được chứng minh có hiệu quả nếu được sử dụng sớm, nhưng đều cần được tiêm hoặc truyền tĩnh mạch trong các phương pháp điều trị đã được chấp thuận.

Thử nghiệm ngẫu nhiên, mù đôi, có đối chứng so sánh của Merck đã theo dõi 775 người lớn mắc COVID từ nhẹ đến trung bình (thử nghiệm vốn dự định tuyển 1.550 tham gia, nhưng đã dừng sớm). Tất cả 775 người này được coi là có nguy cơ mắc bệnh nặng cao hơn bình thường; có ít nhất một trong các vấn đề sức khỏe như béo phì, tiểu đường hoặc bệnh tim. Người tham gia được chia ngẫu nhiêm vào hai nhóm, một nhóm được dùng một đợt molnupiravir kéo dài 5 ngày, nhóm còn lại dùng giả dược.

Trong nhóm dùng giả dược, 53 bệnh nhân (14% của nhóm) phải nhập viện, trong khi đó nhóm dùng molnupiravir chỉ có 28 bệnh nhân (7% của nhóm). Theo Merck, không có trường hợp tử vong nào trong nhóm dùng thuốc, so với 8 trường hợp tử vong ở nhóm dùng giả dược.

Ngoài ra, dựa trên dữ liệu giải trình tự virus của khoảng 40% người tham gia, molnupiravir đã chứng minh hiệu quả nhất quán trên các biến thể virus Gamma, Delta và Mu.

Merck cho biết sẽ xin cấp phép sử dụng khẩn cấp thuốc molnupiravir ở Mỹ trong vòng hai tuần tới và nộp đơn xin cấp phép ở một số quốc gia khác.

Dữ liệu từ nghiên cứu đã được công bố rộng rãi trong một thông cáo báo chí và đến nay chưa được bình duyệt. Tuy nhiên, một nhóm chuyên gia y tế độc lập theo dõi cuộc thử nghiệm đã khuyến nghị nên ngừng thử nghiệm sớm để xin cấp phép vì kết quả quá khả quan.

“Kết quả thử nghiệm lâm sàng này vượt quá kỳ vọng,” Dean Li, phó chủ tịch nghiên cứu của Merck, cho biết. "Số người nhập viện hoặc tử vong giảm 50%, đây là một tác động lâm sàng đáng kể."

Thông cáo báo chí không có nhiều thông tin về tác dụng phụ, nhưng hai công ty cho biết tỷ lệ xuất hiện "tác dụng phụ" giữa nhóm giả dược và nhóm dùng thuốc là tương đương nhau. Ít nhất một "tác dụng phụ", hoặc sự kiện bất lợi, đã xảy ra ở 35% những người dùng molnupiravir và 40% những người dùng giả dược. Và 1,3% số người tham gia trong nhóm dùng thuốc đã phải ngừng dùng thuốc do xuất hiện sự kiện bất lợi, so với 3,4% số người tham gia ngừng sử dụng giả dược.

Một loại thuốc viên tiện lợi mà bệnh nhân có thể uống khi xuất hiện các triệu chứng COVID sẽ là một công cụ quan trọng trong việc kiểm soát các đợt bùng phát trong tương lai và giảm tác động của đại dịch. Dự đoán thử nghiệm sẽ có kết quả tích cực, Merck đã "đặt cược" và sản xuất molnupiravir từ trước, và dự kiến ​​sẽ sản xuất 10 triệu liệu trình vào cuối năm 2021. Hiện chưa có thông tin về giá bán của loại thuốc này.

Nguồn:

https://www.theguardian.com/world/2021/oct/01/covid-antiviral-pill-halves-hospitalisations-and-deaths-maker-says

https://www.merck.com/news/merck-and-ridgebacks-investigational-oral-antiviral-molnupiravir-reduced-the-risk-of-hospitalization-or-death-by-approximately-50-percent-compared-to-placebo-for-patients-with-mild-or-moderat/

Hoàng Nam tổng hợp
Theo https://khoahocphattrien.vn (ntptuong)
In bài viết  
Bookmark
Ý kiến của bạn

Video




© Copyright 2020 Trung tâm Thông tin Khoa học và Công nghệ - Sở Khoa học & Công nghệ TP. Cần Thơ
Địa chỉ: 118/3 Trần Phú - Phường Cái Khế - Quận Ninh Kiều - thành phố Cần Thơ
Giấy phép số: 05/ GP-TTĐT, do Sở Thông tin và Truyền Thông thành phố Cần Thơ cấp ngày 23/5/2017
Trưởng Ban biên tập: Ông Vũ Minh Hải - Giám Đốc Trung tâm Thông tin Khoa học và Công nghệ - Sở Khoa học & Công nghệ TP. Cần Thơ
Ghi rõ nguồn www.trithuckhoahoc.vn khi bạn sử dụng lại thông tin từ website này
-->