Tự nhiên [ Đăng ngày (05/10/2022) ]
Nghiên cứu ảnh hưởng của các yếu tố hải dương, môi trường biển đến sự phân bố và biến động nguồn lợi hải sản ở vùng biển Tây Nam Bộ
Nghiên cứu do nhóm nghiên cứu thuộc Viện Nghiên cứu Hải sản thực hiện.

Vùng biển miền Tây Nam Bộ (từ Cà Mau đến Kiên Giang) là một phần của Vịnh Thái Lan, với một vùng có đới bờ rộng lớn từ mũi Cà Mau đến Hà Tiên và đảo Phú Quốc. Đây là vùng biển có tiềm năng kinh tế to lớn với số lượng xuất khẩu thuỷ sản hàng năm vào mức cao nhất của nước ta, góp phần làm tăng trưởng nền kinh tế quốc dân. Nguồn lợi tự nhiên ở vùng biển Tây Nam Bộ thể hiện sự đa dạng sinh học của biển nhiệt đới. Ở đây, tồn tại hầu hết các hệ sinh thái biển và ven biển điển hình như rừng ngập mặn, rạn san hô, thảm cỏ biển, bãi bồi và vùng triều - là nơi cư trú và sinh sản của nhiều loài sinh vật biển.

Trong những năm gần đây, chất lượng môi trường và nguồn lợi sinh vật ở vùng biển này đặc biệt là khu vực ven bờ đang bị suy giảm nghiêm trọng do sự đẩy mạnh phát triển kinh tế biển đặc biệt là việc khai thác hải sản quá mức và gia tăng các phương tiện khai thác hủy diệt. Bên cạnh đó, các điều kiện khí hậu thời tiết và môi trường rất đặc trưng của khu vực nghiên cứu cũng ảnh hưởng trực tiếp đến sự phân bố và biến động của nguồn lợi sinh vật tại đây.

Nghiên cứu luận chứng khoa học về mối tác động qua lại giữa điều kiện tự nhiên, môi trường và nguồn lợi sinh vật sẽ là cơ sở cho việc đánh giá và dự báo sự biến động của nguồn lợi sinh vật và quy hoạch, sử dụng, phát triển bền vững nguồn lợi sinh vật biển ở vùng biển Tây Nam Bộ (TNB). Theo hướng đó, bài báo này trình bày kết quả nghiên cứu về những ảnh hưởng của các điều kiện hải dương môi trường đối với sự phân bố và biến động của các nhóm nguồn lợi hải sản chính ở vùng biển TNB.


Bản đồ vùng biển Tây Nam Bộ và mạng trạm thu số liệu của tiểu dự án I.8, I.9 giai đoạn 2012-2018 (DA: I8&I9) và số liệu sổ nhật kí khai thác (SNKKT) từ năm 2016-2018

Các yếu tố hải dương, môi trường ở vùng biển Tây Nam Bộ có mối quan hệ tương đối chặt chẽ với sự phân bố của nguồn lợi hải sản. Mỗi loài và nhóm loài khác nhau có các ngưỡng thích ứng sinh thái khác nhau đối với từng yếu tố hải dương, môi trường biển. Năng suất khai thác cá cao ở vùng biển ven bờ và giảm dần ở các dải độ sâu lớn hơn trong mùa gió Tây Nam và ngược lại trong mùa gió Đông Bắc. Năng suất khai thác nguồn lợi hải sản thường cao từ tháng 7 đến tháng 12 khi nhiệt độ dao động trong khoảng 27,5-29,5 °C, độ muối thấp và vùng biển nghiên cứu đang chịu ảnh hưởng nhiều bởi nước từ lục địa.

Các yếu tố nhiệt độ, độ muối, lượng mưa và gió mùa có ảnh hưởng rất lớn tới mùa vụ và khu vực sinh sản của các loài cá. Trong đó, mùa sinh sản chính từ tháng 3 đến tháng 9 và tập trung chính vào các tháng 5, 6, 7 và 8 ở khu vực gần bờ nơi có nhiệt độ thấp, độ muối thấp và lượng mưa cao.

lttsuong
Theo Tạp chí Khoa học Công nghệ và Thực phẩm, số 19 (2) (2019)
In bài viết  
Bookmark
Ý kiến của bạn

Sáng kiến mới  
 
 

CASTI TiVi




© Copyright 2020 Trung tâm Thông tin Khoa học và Công nghệ - Sở Khoa học & Công nghệ TP. Cần Thơ
Địa chỉ: 118/3 Trần Phú - Phường Cái Khế - Quận Ninh Kiều - thành phố Cần Thơ
Giấy phép số: 05/ GP-TTĐT, do Sở Thông tin và Truyền Thông thành phố Cần Thơ cấp ngày 23/5/2017
Trưởng Ban biên tập: Ông Vũ Minh Hải - Giám Đốc Trung tâm Thông tin Khoa học và Công nghệ - Sở Khoa học & Công nghệ TP. Cần Thơ
Ghi rõ nguồn www.trithuckhoahoc.vn khi bạn sử dụng lại thông tin từ website này
-->