Xã hội-Nhân văn [ Đăng ngày (07/09/2020) ]
Corona “trốn” trong đường hô hấp trẻ em nhiều tuần
Gần đây, các nhà khoa học Hàn Quốc xác định virus Corona chủng mới có thể tồn tại trong mũi và họng của trẻ em nhiều tuần mà không có bất cứ triệu chứng bệnh. Ðiều này giúp giải thích vì sao COVID-19 có thể âm thầm lây lan.

Ảnh: AFP

Nhóm nghiên cứu đã phân tích dữ liệu của 91 trẻ em mắc COVID-19 từ ngày 18-2 đến 31-3 tại nhiều bệnh viện trên khắp xứ sở kim chi. Trong đó, 20 em không xuất hiện bất cứ triệu chứng rõ ràng nào trong giai đoạn nghiên cứu và 71 trường hợp có các triệu chứng như sốt, ho, tiêu chảy, đau bụng, mất khứu giác hoặc vị giác và các biểu hiện khác. Kết quả phân tích cho thấy vật liệu di truyền của SARS-CoV-2 có thể được phát hiện ở các bệnh nhi trong 17,6 ngày. Thậm chí ở những trẻ không có triệu chứng, thời gian này trung bình là 14 ngày. Do vậy, các nhà khoa học Hàn Quốc nhận định nhiễm bệnh ngầm ở trẻ em có thể liên quan đến sự lây truyền COVID-19 âm thầm trong cộng đồng. Trong nghiên cứu, nhóm tác giả cũng ước tính 85 trẻ nhiễm bệnh (93%) có thể sẽ bị “bỏ sót” nếu chỉ tập trung xét nghiệm những bệnh nhân có triệu chứng.

Phát hiện trên càng củng cố bằng chứng về việc tại sao truy vết COVID-19 trên diện rộng là chiến lược quan trọng để kiềm chế sự lây lan của căn bệnh nguy hiểm này. Ðây cũng là thông tin mà giới chức y tế công cộng có thể sử dụng để đánh giá nguy cơ lây lan SARS-CoV-2 trong môi trường học đường.

Nghiên cứu của các nhà khoa học Hàn Quốc được công bố giữa lúc Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) bị chỉ trích vì thay đổi những hướng dẫn về xét nghiệm. Cụ thể, CDC cho rằng một số người không có triệu chứng của COVID-19 có thể không cần xét nghiệm, ngay cả khi họ tiếp xúc gần với một người nhiễm virus.

* Phát hiện hợp chất có thể kiềm chế sự phát triển của SARS-CoV-2

Giáo sư David Komander tại Viện Nghiên cứu y khoa Walter và Eliza Hall ở Melbourne (Úc) cho biết, nhóm nghiên cứu của ông gần đây phát hiện một prôtêin đơn lẻ có thể được coi là “gót chân Asin” của virus. Prôtêin tên PLpro này có thể tìm thấy trong tất cả các chủng virus Corona, gồm cả chủng gây bệnh COVID-19 và bệnh SARS và nó giúp virus tấn công các tế bào của con người, đồng thời làm mất khả năng kháng virus của cơ thể.

Tuy các loại thuốc hiện hành không có hiệu quả trong việc ngăn chặn PLpro, nhưng nhóm nghiên cứu đã phát hiện một hợp chất, được phát triển trong thập kỷ qua nhằm chống lại bệnh SARS, có thể kiềm chế sự phát triển của SARS-CoV-2 trong thử nghiệm tiền lâm sàng trong phòng thí nghiệm. Giáo sư Komander cho biết bước tiếp theo là biến hợp chất này thành một loại thuốc để chữa COVID-19, nhưng quá trình này có thể mất vài năm nghiên cứu để đảm bảo an toàn với bệnh nhân.

Hạnh Nguyên (Theo CNN, TTXVN)
Theo Báo điện tử Cần Thơ (vtvanh)
In bài viết  
Bookmark
Ý kiến của bạn

Sáng kiến mới  
 
 

CASTI TiVi




© Copyright 2020 Trung tâm Thông tin Khoa học và Công nghệ - Sở Khoa học & Công nghệ TP. Cần Thơ
Địa chỉ: 118/3 Trần Phú - Phường Cái Khế - Quận Ninh Kiều - thành phố Cần Thơ
Giấy phép số: 05/ GP-TTĐT, do Sở Thông tin và Truyền Thông thành phố Cần Thơ cấp ngày 23/5/2017
Trưởng Ban biên tập: Ông Vũ Minh Hải - Giám Đốc Trung tâm Thông tin Khoa học và Công nghệ - Sở Khoa học & Công nghệ TP. Cần Thơ
Ghi rõ nguồn www.trithuckhoahoc.vn khi bạn sử dụng lại thông tin từ website này
-->