Xã hội-Nhân văn [ Đăng ngày (16/04/2021) ]
Vị trí địa lý và thể chế trong phát triển kinh tế vùng Tây Nam Bộ
Nghiên cứu do 2 tác gải Phạm Sỹ An và Trần Thị Mai Thành, Viện Kinh tế Việt Nam, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam thực hiện. Nghiên cứu cho thấy vị trí địa lý và thể chế kinh tế đóng vai trò tích cực trong thúc đẩy phát triển kinh tế vùng Tây Nam Bộ. Để nâng cao mức sống người dân và chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo chiều hướng tích cực, các địa phương trong vùng cần cải thiện thể chế kinh tế và phát triển cơ sở hạ tầng.

Việt Nam có khoảng 95 triệu dân (năm 2018), diện tích 331.235,7 km2 chia làm 6 vùng, gồm Đồng bằng sông Hồng, Trung du và miền núi phía Bắc, Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung, Tây Nguyên, Đông Nam Bộ và Tây Nam Bộ. Vùng Đồng bằng sông Cửu Long có 13 tỉnh, thành phố là Long An, Đồng Tháp, Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long, Trà Vinh, An Giang, Kiên Giang, Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau và thành phố là Cần Thơ. Tây Nam Bộ chiếm 19% tổng dân số cả nước, 12% diện tích quốc gia, có thế mạnh trong phát triển nông nghiệp của Việt Nam.

Vị trí địa lý Tây Nam Bộ có một số đặc điểm ảnh hưởng nhất định đến sự phát triển của vùng. Vùng đất bằng phẳng, thấp, chỉ cao hơn mực nước biển nên khi nước biển dâng, vùng Tây Nam Bộ bị ảnh hưởng rất nặng nề. Việt Nam là một trong năm quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi biến đổi khí hậu, Tây Nam Bộ của Việt Nam được coi là một trong ba vùng đồng bằng của thế giới chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất. Nên Tây Nam Bộ vừa có thế mạnh là phát triển nông nghiệp (lúa, thủy sản, trái cây) do vị trí địa lý đem lại nhưng vừa chịu rủi ro do biến đổi khí hậu, nước biển dâng. Tây Nam Bộ cạnh Đông Nam Bộ là vùng phát triển nhất Việt Nam vì thế Tây Nam Bộ vừa được hưởng lợi vừa bị chịu thiệt ở vị trí này.

Sự phát triển và thịnh vượng của một quốc gia, vùng, địa phương được quyết định bởi 3 nhân tố sản xuất chính là vốn, lao động và công nghệ/năng suất. Nhưng vốn, lao động và “công nghệ” chỉ được coi là nguyên nhân “thứ cấp” của tăng trưởng và phát triển kinh tế; đằng sau các nhân tố này là các nguyên nhân “nền tảng” khác như thể chế kinh tế hay vị trí địa lý.

Thể chế kinh tế - những ràng buộc được tạo ra bởi con người - có tác động mạnh mẽ đến thịnh vượng của các quốc gia. Thể chế là yếu tố quan trọng nhất tạo nên thịnh vượng của quốc gia chứ không phải là các yếu tố khác - như vị trí địa lý.

Ngược lại, có nhiều nghiên cứu với các bằng chứng kinh tế lượng lại cho thấy vị trí địa lý đóng vai trò quyết định đến phát triển kinh tế và thịnh vượng của quốc gia.

Nghiên cứu này xem xét ảnh hưởng của vị trí địa lý và thể chế kinh tế đến thu nhập người dân của các địa phương vùng Tây Nam Bộ và đi đến kết luận cả vị trí địa lý và thể chế kinh tế đều có tác động tích cực đến phát triển kinh tế. Có một ưu điểm và một nhược điểm của bài viết này.


Thứ nhất, về ưu điểm, việc lựa chọn các địa phương vùng Tây Nam Bộ vào phân tích ảnh hưởng của thể chế kinh tế và vị trí địa lý đến phát triển kinh tế sẽ loại bỏ những yếu tố phức tạp khác như sự khác biệt trong chính sách thương mại, chính sách phát triển công nghiệp, thể chế chính trị trong phân tích ảnh hưởng của thể chế kinh tế và vị trí địa lý đến phát triển kinh tế.

Thứ hai, về nhược điểm, do hạn chế về số liệu, nghiên cứu này không xây dựng mô hình kinh tế lượng và có những phân tích định lượng nghiêm ngặt. Bài viết này sẽ chỉ phân tích hệ số tương quan, trực quan từ các đồ thị quan hệ giữa các biến số và dựa vào những lý thuyết, bằng chứng thực nghiệm từ các nghiên cứu để củng cố kết luận của nghiên cứu.

Qua một số phân tích, các tác giả đã đi đến kết luận như sau:

Thứ nhất, vị trí địa lý - khoảng cách giữa các địa phương Tây Nam Bộ với Đông Nam Bộ đóng vai trò quan trọng đến mức sống người dân các tỉnh Tây Nam Bộ. Các địa phương càng gần với Đông Nam Bộ hơn thì càng phát triển hơn. Điều này là do lợi thế của các địa phương khi ở gần với Đông Nam Bộ. Thứ hai, thể chế kinh tế đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế không kém gì so với vị trí địa lý. Tuy nhiên, các địa phương cần động lực để thúc đẩy cải thiện cơ chế khuyến khích nhằm thúc đẩy nền kinh tế phát triển, nâng cao mức sống và thịnh vượng của người dân.

Vị trí địa lý và thể chế kinh tế là các nhân tố quan trọng cho phát triển kinh tế các địa phương vùng Tây Nam Bộ. Các địa phương gần Đông Nam Bộ nói chung sẽ phát triển hơn do gần cảng, gần điểm kết nối. Các địa phương có thể chế kinh tế tốt hơn cũng tạo nên thịnh vượng nhiều hơn. Từ các nhận định này, bài viết gợi mở một số giải pháp sau:

Thứ nhất, cần phát triển cơ sở hạ tầng tại vùng Tây Nam Bộ để không phải phụ thuộc vào cảng biển, cảng hàng không của Đông Nam Bộ. Có thể xây dựng cảng biển nước sâu Trần Đề (Sóc Trăng), trung tâm logistics tại Cần Thơ để hoạt động sản xuất Tây Nam Bộ không phải phụ thuộc quá mức vào hệ thống cảng biển, các điểm kết nối tại Đông Nam Bộ.

Thứ hai, thông điệp lớn nhất cho các địa phương cách xa Đông Nam Bộ là: nếu không có may mắn thì phải nỗ lực cải thiện thể chế. Hay nói cách khác, nếu các địa phương xa Đông Nam Bộ (không có may mắn) thì cần nỗ lực cải thiện thể chế kinh tế.

Thứ ba, tỷ trọng công nghiệp cao hơn làm thu nhập/người lớn hơn vì làm hoạt động công nghiệp tạo nhiều việc làm với thu nhập cao hơn. Đây là lý do các địa phương Tây Nam Bộ luôn muốn xây dựng các khu công nghiệp để thu hút doanh nghiệp vào cho dù tỷ lệ lấp đầy là rất thấp. Để phát triển công nghiệp ở các địa phương không gần Đông Nam Bộ, các địa phương cần phát triển công nghiệp chế biến các sản phẩm nông nghiệp. Hoặc, các địa phương có những điều kiện tự nhiên thuận tiện cho phát triển năng lượng tái tạo (năng lượng gió, mặt trời, dòng chảy, sinh khối…) thì Chính phủ cần có chính sách thúc đẩy phát triển.

lttsuong
Theo Tạp chí Khoa học xã hội Việt Nam, số 1 - 2020
In bài viết  
Bookmark
Ý kiến của bạn

Sáng kiến mới  
 
 

CASTI TiVi




© Copyright 2020 Trung tâm Thông tin Khoa học và Công nghệ - Sở Khoa học & Công nghệ TP. Cần Thơ
Địa chỉ: 118/3 Trần Phú - Phường Cái Khế - Quận Ninh Kiều - thành phố Cần Thơ
Giấy phép số: 05/ GP-TTĐT, do Sở Thông tin và Truyền Thông thành phố Cần Thơ cấp ngày 23/5/2017
Trưởng Ban biên tập: Ông Vũ Minh Hải - Giám Đốc Trung tâm Thông tin Khoa học và Công nghệ - Sở Khoa học & Công nghệ TP. Cần Thơ
Ghi rõ nguồn www.trithuckhoahoc.vn khi bạn sử dụng lại thông tin từ website này
-->