Nghiên cứu [ Đăng ngày (16/04/2021) ]
Nghiên cứu tỷ lệ nhiễm Feline Panleukopenia Virus (FPV) ở mèo tại Hà Nội và vùng phụ cận bằng phương pháp PCR
Nghiên cứu được thực hiện bởi nhóm tác giả Nguyễn Thị Ngọc, Bùi Trần Anh Đào, Lê Văn Phan, Nguyễn Thị Giang, Bùi Quang Huy, Phạm Quang Hưng, Đinh Phương Nam và Lê Văn Hùng nhằm điều tra bệnh giảm bạch cầu ở mèo (Feline panleukopenia) tại Hà Nội và một số vùng phụ cận.

Bệnh giảm bạch cầu mèo hay còn gọi là bệnh viêm ruột truyền nhiễm ở mèo do virus Feline panleukopenia – FPV gây ra, đây là một loại parvovirus có kích thước nhỏ, có vật chất di truyền là AND. FPV có thể gây bệnh cho tất cả các thành viên của họ Felidae. FPV rất ổn định, có thể tồn tại trong 1 năm ở nhiệt độ phòng vật liệu hữu cơ. Ở ngoài môi trường, virus có thể tồn tại trong phân tử từ 5 đến 10 tháng hoặc hơn. Bệnh lây lan rất nhanh với đặc điểm xuất hiện đột ngột, con vật nôn mửa, ỉa chảy, số lượng bạch cầu giảm rõ rệt, làm suy giảm miễn dịch và có tỷ lệ tử vong cao. Virus Feline Panleukopenia gây bệnh cho mèo ở tất cả các lứa tuối, nhưng mẫn cảm nhất là mèo non nhỏ hơn 1 tuổi, đặc biệt ở mèo chưa được tiêm phòng đầy đủ, tỷ lệ mắc và tỷ lệ chết cao.

Hiện nay, ở Việt Nam nói chung và ở Hà Nội nói riêng, việc nuôi mèo cảnh đang ngày một tăng lên cả về số lượng và chất lượng. Vì vậy, vấn đề dịch bệnh trở nên phức tạp, đặc biệt nguy hiểm nhất là bệnh giảm bạch cầu do virus Feline Panleukopenia gây ra. Nghiên cứu này được thực hiện nhằm chuẩn đoán chính xác những mèo đang có triệu chứng lâm sàng nghi mắc bệnh giảm bạch cầu như sốt cao, mất nước, nôn mửa và tiêu chảy phân lẫn máu, từ đó cung cấp thông tin tổng quát về tình hình nhiễm FPV tại Hà Nội và vùng phụ cận, đồng thời sẽ là cơ sở để xây dựng quy trình phòng, điều trị bệnh hiệu quả.

Đối tượng nghiên cứu là mèo có triệu chứng lâm sàng điển hình nghi mắc giảm bạch cầu mèo đến khám tại Bệnh viện Thú y, Học viện Nông nghiệp Việt Nam và một số phòng khám xung quanh khu vực.

Nghiên cứu được tiến hành trên 216 mèo. Kết quả nghiên cứu cho thấy, trong số các mèo trên, có 83 mèo (38,43%) có một số triệu chứng liên quan như ủ rũ, nôn, sốt hoặc bỏ ăn khi chẩn đoán lâm sàng. Kiểm tra sàng lọc bằng Kit test nhanh bệnh giảm bạch cầu trên mèo và thực hiện phản ứng PCR, kết quả cho thấy có 29/83 ca dương tính với virus giảm bạch cầu mèo, chiếm tỷ lệ 34,94%. 29/216 ca dương tính với virus giảm bạch cầu mèo chiếm 13,42% so với tổng số mèo được khảo sát. Với cùng một mẫu chuẩn đoán, phương pháp PCR cho kết quả rõ ràng, chính xác ngay cả khi kit xét nghiệm nhanh cho kết quả nghi ngờ. Mèo ở nhóm tuổi từ 1 – 7 tháng tuổi có tỷ lệ dương tính cao nhất chiếm 48,39%, tiếp theo là nhóm tuổi từ 8 – 12 tháng có tỷ lệ dương tính với FPV là 36,00%, cuối cùng là mèo ở nhóm tuổi >12 tháng tuổi có tỷ lệ dương tính ít nhất là 18,52%, kết quả này có ý nghĩa thống kê với P < 0,05. Mèo mắc FPV có một số biểu hiện lâm sàng chủ yếu như: mèo ủ rũ, mệt mỏi (100,00%); bỏ ăn (96,55%); sốt > 39,5 độ C (93,10%); tiêu chảy phân lẫn máu (86,21%); nôn bọt trắng hoặc vàng xanh (79,31%). Ngoài ra, còn có một số triệu chứng khác như chảy nước dãi, mắt nhiều ghèn và niêm mạc nhợt nhạt chiếm tỷ lệ thấp hơn. Kết quả nghiên cứu chỉ tiêu huyết học của mèo mắc FPV cho thấy chỉ số bạch cầu bị suy giảm trầm trọng, số lượng bạch cầu trung bình của mèo giảm sâu còn 1,8 ± 0,09 × 10^3/µl.

ttmphuong
Theo Tạp chí Khoa học Nông nghiệp Việt Nam 2021, 19 (1)
In bài viết  
Bookmark
Ý kiến của bạn

Sáng kiến mới  
 
 

CASTI TiVi




© Copyright 2020 Trung tâm Thông tin Khoa học và Công nghệ - Sở Khoa học & Công nghệ TP. Cần Thơ
Địa chỉ: 118/3 Trần Phú - Phường Cái Khế - Quận Ninh Kiều - thành phố Cần Thơ
Giấy phép số: 05/ GP-TTĐT, do Sở Thông tin và Truyền Thông thành phố Cần Thơ cấp ngày 23/5/2017
Trưởng Ban biên tập: Ông Vũ Minh Hải - Giám Đốc Trung tâm Thông tin Khoa học và Công nghệ - Sở Khoa học & Công nghệ TP. Cần Thơ
Ghi rõ nguồn www.trithuckhoahoc.vn khi bạn sử dụng lại thông tin từ website này
-->