Nông - Lâm - Ngư nghiệp [ Đăng ngày (03/03/2021) ]
Đánh giá đa dạng di truyền nguồn gen cây gừng núi đá bằng chỉ thị phân tử
Nghiên cứu do tác giả Dương Văn Thảo – Trường Đại học Nông lâm, Đại học Thái Nguyên thực hiện nhằm đánh giá đa dạng di truyền nguồn gen cây gừng núi đá bằng chỉ thị phân tử.

Gừng núi đá (Zingiber purpureum Roscoe) là một loại cây thân thảo lâu năm, phát triển tự nhiên ở những vùng ẩm ướt, chịu bóng ở những sườn đồi vùng núi đá. Gừng núi đá được cho là có nguồn gốc ở Ấn Độ và bán đảo Malaysia, được trồng ở rất nhiều nơi trong khu vực Đông Nam Á, Thái Bình Dương và châu Đại Dương (Kasarkar et al., 2017). Gừng núi đá là loại rừng dại với thân cây cao khoảng 1m. Các lá và cụm hoa của cây được hình thành từ thân rễ dưới mặt đất. Các lá mỏng, dài khoảng 25 -35cm. với gân giữa nổi rõ lên mặt dưới. Chùm hoa có chiều dài từ 6 - 12cm có màu xanh lá cây khi non và trở thành màu đỏ khi già.

Bordoloi et al. (1999) đã xác định trong củ gừng núi đá có thành phần hóa học gồm 3 hợp chất chính là 4-terpinenol, sabinene, 1,4-bis (methoxy) –triquinacene, (E)-1-(3,4-Dimethoxyphenyl) buta-1,3-diene. Tinh dầu được sử dụng rộng rãi với các hiệu ứng đáng chú ý trong điều trị viêm, tiêu chảy, chuột rút, chống viêm, chống oxy hóa, chống ung thư, giảm đau, đầy hơi, dị ứng và ngộ độc. Các lá cũng được sử dụng trong cách điều trị đau khớp (Christine, 2007) Nghiên cứu tác dụng dược lý cho thấy tinh dầu gừng núi đá có tác dụng gây độc tính với tế bào ung thư vú (MCF-7), ung thư vú đa kháng thuốc (MCF7/ADR), ung thư biểu mô tuyến (MDA-MB-231) và ung thư cổ tử cung (hela), hoặc tính kháng oxy hóa, kháng khuẩn, kháng nấm (Trần Công Luận và cộng sự 2009).

Gừng núi đá là loài cây dược liệu quý, có giá trị kinh tế cao, chúng phân bố ở Hà Giang và các tỉnh vùng núi phía Bắc nước ta và một số tỉnh miền Trung, Tây Nguyên. Loài cây dược liệu này là đối tượng hiện đang có thị trường tiêu thụ lớn song nguồn cung chưa đáp ứng đủ nhu cầu thị trường. Nguồn nguyên liệu hiện nay chủ yếu khai thác từ tự nhiên. Hầu hết các loài cần được bảo tồn, nuôi trồng. Do đó, công tác phát triển nguồn gen gặp nhiều khó khăn. Việc nghiên cứu đánh giá di truyền của các loài Gừng núi đá ở mức phân tử là cần thiết và cấp bách để định hướng cho công tác thu thập, bảo tồn, khai thác và sử dụng các nguồn gen cây dược liệu quý một cách hiệu quả ở Việt Nam. Marker trnL-e/trnL-f đã được sử dụng để khuếch đại nucleotide vùng lục lạp của 15 mẫu Gừng núi đá thu thập từ 15 xã thuộc 5 huyện thuộc tỉnh Hà Giang.

Qua thời gian thực hiện, kết quả nghiên cứu cho thấy 15 đoạn trình tự của 15 mẫu lá Gừng núi đá có sự tương đồng từ 94,65% đến 97,83% với mẫu tham chiếu đã được công bố trên NCBI (EU552529.1 Alpinia officinarum). Mức tương đồng di truyền của 15 mẫu Gừng núi đá nghiên cứu rất cao, dao động từ 93,20% (GND1 và GND10) đến 99,87% (GND15 và GND13). Cây quan hệ phát sinh của 15 mẫu Gừng núi đá nghiên cứu và 2 mẫu tham chiếu được chia làm 4 nhóm chính. Trình tự nucleotide vùng lục lạp với marker trnLe/trnL-f có thể nhận dạng được 5 mẫu giống Gừng núi đá là GND1, GND4, GND8, GND10 và GND14.

Tạp chí Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, số 23/2020 (nthang)
In bài viết  
Bookmark
Ý kiến của bạn

Sáng kiến mới  
 
 

CASTI TiVi




© Copyright 2020 Trung tâm Thông tin Khoa học và Công nghệ - Sở Khoa học & Công nghệ TP. Cần Thơ
Địa chỉ: 118/3 Trần Phú - Phường Cái Khế - Quận Ninh Kiều - thành phố Cần Thơ
Giấy phép số: 05/ GP-TTĐT, do Sở Thông tin và Truyền Thông thành phố Cần Thơ cấp ngày 23/5/2017
Trưởng Ban biên tập: Ông Vũ Minh Hải - Giám Đốc Trung tâm Thông tin Khoa học và Công nghệ - Sở Khoa học & Công nghệ TP. Cần Thơ
Ghi rõ nguồn www.trithuckhoahoc.vn khi bạn sử dụng lại thông tin từ website này
-->