Nghiên cứu [ Đăng ngày (22/02/2021) ]
Ảnh hưởng của dịch chiết rong Ulva reticulata lên sự phát triển của rau muống (Ipomoea aquatic)
Nghiên cứu được thực hiện bởi các tác giả Văn Hồng Cầm, Khúc Thị An, Nguyễn Thảo Hiền, Trần Thị Phương Anh thuộc trường Đại học Nha Trang nhằm mục đích khảo sát điều kiện thích hợp để thu dịch chiết rong Ulva reticulata, và khảo sát ảnh hưởng dịch chiết rong lên tỷ lệ nảy mầm, năng suất, chiều dài thân, chiều dài rễ của rau muống (Ipomoea aquatica).

Rong lục võng hay còn được gọi là rong giấy hoặc rong xanh nhớt Ulva reticulata, thuộc chi rong xà lách Ulva, thường phát triển bám trên các bãi đá trong vùng bãi triều. Khi hàm lượng dinh dưỡng trong nước cao, các loài thuộc chi Ulva sẽ phát triển mạnh mẽ, còn được gọi là “thủy triều xanh” – “green tides”. Tại Việt Nam, Ulva reticulata phân bố chủ yếu ở miền Trung và Nam Trung bộ. Trước đây, U. reticulata xuất hiện tại khu vực bờ biển Hòn Chồng-Nha Trang với mật độ thấp, sự có mặt của chúng không đáng kể và vai trò của chúng cũng không được nhắc đến. Tuy nhiên trong khoảng thời gian trở lại đây, sau khi đường Phạm Văn Đồng được xây dựng, số hộ dân trong khu vực tăng lên, các hoạt động du lịch tăng mạnh, nguồn nước thải ra biển xử lý không đầy đủ dẫn đến sự bùng phát của thủy triều xanh Ulva reticulata. Sự xuất hiện của U. reticulata trong thời gian qua đã gây “phiền hà” đến người dân sống trong khu vực cũng như ảnh hưởng đến hoạt động du lịch địa phương. Khi rong phân hủy, sẽ gây mùi khó chịu.

Nghiên cứu tập trung vào thử nghiệm dịch chiết rong U. reticulata trên đối tượng rau muống (Ipomoea aquatica) - một loại rau có trong bữa ăn hàng ngày của các gia đình Việt Nam - nhằm đánh giá tính khả thi của việc xử lý rong Ulva trong các đợt “thủy triều xanh” trở thành dịch phân bón cho rau xanh.



Rong Ulva spp. dạt lên b ờ biển Phạm Văn Đồng, Nha Trang

Mẫu nghiên cứu là rong lục võng (còn gọi là rong giấy, rong xanh nhớt) Ulva reticulata được thu từ vùng nước cạn khu vực bãi đá Hòn Chồng, phía Bắc Thành phố Nha Trang vào mùa rong phát triển ồ ạt. Mẫu rong thu vào tháng 5-7/2016 tháng 5-7/2018 (mùa khô), tháng 10-11/2016 và tháng 10-11/2017 (mùa mưa).

Dịch chiết rong trong khảo sát ảnh hưởng của pH và nhiệt độ đến sự phân cắt Ulva reticulata được chuẩn bị theo phương pháp của Briceño-Domínguez có cải tiến. Mẫu rong xay nhỏ được trộn với nuớc theo tỉ lệ 1:20 (rong:nuớc cất), sử dụng H3 PO4 , KOH để điều chỉnh đến các giá trị pH = 3, 5, 7, 9, 11, 13 và thủy phân ở các nhiệt độ khác nhau, trong đó, các mẫu rong thủy phân ở nhiệt độ phòng được sử dụng làm mẫu đối chứng. Khảo sát ảnh hưởng của dịch chiết rong đến sự nảy mầm của hạt Ipomoea aquatica được thực hiện thông qua thí nghiệm gieo 50 hạt/đĩa và lặp lại 3 lần trên hộp nhựa thực phẩm có lót giấy lọc thấm sẵn dịch chiết rong đã chuẩn bị (20ml/đĩa). Dịch chiết rong được chiết bằng nước cất, KOH (pH =11), H3 PO4 (pH = 3) với các nồng độ 0,5% và 1%. Hạt được đặt trong phòng ở nhiệt độ 25ºC ± 2ºC trong 4 ngày. Nghiệm thức đối chứng gồm nước máy, hai loại phân bón từ rong biển thương mại là Phân bón A có dạng bột được hòa tan (PB_A) và Phân bón B dạng dịch lỏng (PB_B) theo công thức của nhà sản xuất. Khảo sát ảnh hưởng của dịch chiết rong đến sự phát triển của Ipomoea aquatica được thực hiện bằng cách pha loãng dịch phân bón rong biển ở các nồng độ khác nhau (0,5%, 1%), phun dịch vào các châu cây các nghiệm thức theo tỷ lệ 20ml/ lần; cách 7 ngày phun 1 lần. Nghiệm thức đối chứng bao gồm nước máy, phân bón rong biển thương mại PB_A và PB_B pha theo hướng dẫn của nhà sản xuất), nghiệm thức kiểm chứng bao gồm các dịch chiết từ rong biển Ulva reticulata bằng KOH (pH = 11), H3 PO4 (pH = 3), nước cất (pH = 7) ở các nồng độ khác nhau (0,5%; 1%).

Kết quả khảo sát cho thấy, phương pháp chiết rong bằng pH11 mang lại năng suất vượt trội và chiều dài thân rau tốt hơn so với đối chứng, với nồng độ dịch rong 0,5%. Trong các nghiệm thức, tỷ lệ nảy mầm của hạt rau muống đạt tỷ lệ trung bình từ 40- 66% với độ lệch chuẩn khá lớn 3-11%. Dịch rong chiết ở pH11, nồng độ dịch 0,5% cho tỷ lệ nảy mầm ổn định hơn so với các nghiệm thức khác (độ lệch 3%). Đối với sự phát triển chiều dài rễ và kéo dài thân rau muống, các kết quả ghi nhận rằng không có sự khác biệt về chiều dài rễ nhưng có sự khác biệt về sự phát triển chiều dài thân. Dịch rong Ulva reticulata chiết trong môi trường pH11 với nồng độ dịch rong 0,5% cho kết quả khác biệt về chiều dài thân (34,8 ± 4,69cm) so với mẫu đối chứng nước máy (22,00 ± 2,34 cm). Về mặt năng suất rau, dịch rong thu nhận ở điều kiện chiết kiềm (pH11) và chiết nước (pH7) cho kết quả tốt nhất (100g/chậu) so với tất cả các nghiệm thức còn lại, và khác biệt rõ rệt so với đối chứng (52,33±30,27%). Khảo sát cũng cho thấy, với tỷ lệ sống và năng suất rau thu được tăng gấp đôi so với đối chứng rau chỉ được tưới bằng nước máy, các dịch chiết rong ở pH kiềm hoặc pH trung tính có thể sử dụng như một phân bón cho rau xanh.

Từ những kết quả khảo sát có được, nhóm tác giả cũng đề xuất sử dụng phương pháp chiết rong bằng pH11 với nồng độ dịch rong 0,5% như một dịch bổ sung trong trồng rau xanh. Đồng thời, tiếp tục hoàn thiện quy trình chiết dịch rong, và cần có những nghiên cứu phối trộn sản phẩm dịch rong với các chất dinh dưỡng khác, nghiên cứu phương pháp bảo quản dịch rong để có thể tiến đến thương mại hóa và sản xuất đối phó với hiện tượng thủy triều xanh trên bờ biển thành phố Nha Trang.

ttmphuong
Theo Tạp chí Khoa học - Công nghệ Thủy sản Trường Đại học Nha Trang, Số 4/2020
In bài viết  
Bookmark
Ý kiến của bạn

Sáng kiến mới  
 
 

CASTI TiVi




© Copyright 2020 Trung tâm Thông tin Khoa học và Công nghệ - Sở Khoa học & Công nghệ TP. Cần Thơ
Địa chỉ: 118/3 Trần Phú - Phường Cái Khế - Quận Ninh Kiều - thành phố Cần Thơ
Giấy phép số: 05/ GP-TTĐT, do Sở Thông tin và Truyền Thông thành phố Cần Thơ cấp ngày 23/5/2017
Trưởng Ban biên tập: Ông Vũ Minh Hải - Giám Đốc Trung tâm Thông tin Khoa học và Công nghệ - Sở Khoa học & Công nghệ TP. Cần Thơ
Ghi rõ nguồn www.trithuckhoahoc.vn khi bạn sử dụng lại thông tin từ website này
-->