Nghiên cứu [ Đăng ngày (22/01/2021) ]
Ảnh hưởng của chế độ cho ăn kháng thể lòng đỏ trứng gà lên đáp ứng miễn dịch và khả năng đề kháng bệnh của tôm thẻ chân trắng (Penaeus vannamei)
Nghiên cứu do nhóm tác giả Trần Thị Tuyết Hoa, Lê Quốc Việt, Trần Thị Mỹ Duyên, Trần Nguyễn Duy Khoa, Trần Ngọc Hải - Trường Đại học Cần Thơ và Ahn Hyeong Chul - Công ty ADBIOTECH Co., LTD, Hàn Quốc thực hiện nhằm tìm hiểu ảnh hưởng của việc bổ sung kháng thể lòng đỏ trứng gà (IgY) lên khả năng kháng Vibrio parahaemolyticus, tác nhân gây bệnh hoại tử gan tụy cấp tính (Acute hepatopancreatic necrosis disease - AHPND) trên tôm thẻ chân trắng.

Ảnh minh họa: Internet

Thủy sản là ngành kinh tế mũi nhọn, đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế quốc gia. Hiện nay, tôm thẻ chân trắng là một trong những đối tượng nuôi chủ lực trong nghề nuôi tôm biển ở Việt Nam. Năm 2019, diện tích nuôi tôm đạt 720.000 ha, sản lượng tôm nước lợ ước đạt 750.000 tấn (270.000 tấn tôm sú, 480.000 tấn tôm thẻ chân trắng). Năm 2020, sản lượng nuôi tôm nước lợ tính đến ngày 20/4/2020 đạt 168.600 tấn, trong đó, tôm sú ước đạt 65.000 tấn, giảm 15,6% và tôm thẻ chân trắng đạt 103.600 tấn, tăng 2,1% so với cùng kỳ 2019 (Tổng cục thủy sản, 2020).

Việc gia tăng diện tích nuôi cùng với việc thâm canh hóa dẫn đến tình hình dịch bệnh tăng trên diện rộng, đe dọa nghiêm trọng đến năng suất và sự phát triển bền vững của nghề nuôi tôm (Walker and Mohan, 2009; Lightner et al., 2012; Flegel, 2012). Vi khuẩn gây bệnh trên tôm biển chủ yếu thuộc nhóm Vibrio, bao gồm Vibrio alginolyticus, V. harveyi, V. parahaemolyticus, V. anguillarum, V. penaeicida (Lightner, 1996). Trong đó, vi khuẩn V. parahaemolyticus là tác nhân gây bệnh hoại tử gan tụy cấp tính (acute hepatopancreatic necrosis disease – AHPND) gây chết tôm với tỉ lệ có thể lên đến 100% sau khi thả giống 20 - 30 ngày (Lightner et al., 2012, 2013; Tran et al., 2013). Ở Việt Nam, bệnh hoại tử gan tụy cấp tính, bệnh đốm trắng và bệnh do vi bào tử trùng Enterporytozoon hepatopenaei hiện là các bệnh phổ biến trong nuôi tôm nước lợ.

Do tác nhân gây AHPND trên tôm nuôi là vi khuẩn, nên việc điều trị bằng kháng sinh trở nên phổ biến. Việc sử dụng kháng sinh không đúng qui định gây ảnh hưởng tới sức khỏe động vật nuôi, môi trường sinh thái, tạo ra các chủng vi khuẩn kháng thuốc kháng sinh dẫn đến giảm hiệu quả điều trị bệnh, tăng nguy cơ nhiễm khuẩn và tồn lưu trong sản phẩm thủy sản (FAO, 2013; Schryver et al., 2014).

Do vậy, việc sử dụng các hợp chất có hoạt tính sinh học, vi sinh vật hữu ích… nhằm giúp tôm tăng cường hệ miễn dịch, tăng khả năng đề kháng với các tác nhân gây bệnh đang được tập trung nghiên cứu (Lin et al., 2011). Trong đó, hướng nghiên cứu ứng dụng kháng thể lòng đỏ trứng gà (IgY) giúp tăng cường miễn dịch kháng lại các bệnh nguy hiểm trên động vật thủy sản cũng được thực hiện và mang lại hiệu quả cao (Xu et al., 2011; Gan et al., 2015).

Globulin miễn dịch (Immunoglobulins – Ig) là kháng thể có bản chất glycoprotein. Globulin miễn dịch (Immunoglobulins Y - IgY) được tạo ra từ lòng đỏ trứng gà và có sự khác biệt về bản chất protein so với Ig của động vật hữu nhũ. IgY là kháng thể đặc trưng của nhóm động vật lông vũ và do đó IgY có thể được sản xuất với lượng lớn trong lòng đỏ trứng gà (Muller et al., 2015). Để tạo ra kháng thể đặc hiệu, kháng nguyên đặc hiệu (Vibrio parahaemolyticus, Vibrio harveyi, Vibrio anguillarum) được tiêm vào cơ ức của gà mái. Kháng thể đặc hiệu sau khi được tạo ra sẽ chuyển sang lòng đỏ trứng của trứng gà con để tạo ra kháng thể IgY. IgY đã được áp dụng thành công trong các lĩnh vực nghiên cứu về chẩn đoán, phòng ngừa, điều trị… do sự ổn định của việc sản xuất IgY (Xu et al., 2011).

Tôm thẻ chân trắng cho ăn thức ăn bổ sung kháng thể lòng đỏ trứng gà (IgY) sẽ giúp tôm tăng cường sức đề kháng khi cảm nhiễm với vi khuẩn V. parahaemolyticus. Trong đó, tôm được bổ sung IgYB 0,5% có tỉ lệ sống cao nhất so với các nghiệm thức cảm nhiễm với vi khuẩn. Thức ăn bổ sung IgYB 0,5% giúp tôm thẻ chân trắng tăng cường miễn dịch, thông qua sự gia tăng chỉ số huyết học (tổng tế bào máu, bạch cầu không hạt, bạch cầu không hạt), và hoạt tính phenoloxidase.

nnttien
Theo TC Khoa học - Trường ĐH Cần Thơ, Tập 56, Số 5B/2020
In bài viết  
Bookmark
Ý kiến của bạn

Sáng kiến mới  
 
 

CASTI TiVi




© Copyright 2020 Trung tâm Thông tin Khoa học và Công nghệ - Sở Khoa học & Công nghệ TP. Cần Thơ
Địa chỉ: 118/3 Trần Phú - Phường Cái Khế - Quận Ninh Kiều - thành phố Cần Thơ
Giấy phép số: 05/ GP-TTĐT, do Sở Thông tin và Truyền Thông thành phố Cần Thơ cấp ngày 23/5/2017
Trưởng Ban biên tập: Ông Vũ Minh Hải - Giám Đốc Trung tâm Thông tin Khoa học và Công nghệ - Sở Khoa học & Công nghệ TP. Cần Thơ
Ghi rõ nguồn www.trithuckhoahoc.vn khi bạn sử dụng lại thông tin từ website này
-->