Pháp luật [ Đăng ngày (24/08/2016) ]
Hoàn toàn đủ căn cứ khởi tố đối tượng trộm 116 trứng Vích tại Côn Đảo
Trước thông tin, Viện kiểm sát nhân huyện Côn Đảo (tỉnh Bà Rịa, Vũng Tàu) không phê chuẩn quyết định khởi tố một đối tượng có hành vi trộm 116 quả trứng vích với lý do “trứng Vích không phải là sản phẩm của Vích vì không qua chế biến từ một cá thể Vích, trứng cũng không được xem là một cá thể hay bộ phận của cá thể” . Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên (ENV) đã có TCBC không đồng tình với quan điểm của hai cơ quan trend. Nội dung TCBC cho biết:

Rùa mẹ đẻ trứng (Ảnh: Vườn Quốc gia Côn Đảo)

Ngày 22/8/2016, báo Tuổi trẻ online đã đăng bài viết “Công an và VKS cãi nhau về 100 trứng Vích” trong đó cho biết Viện kiểm sát nhân huyện Côn Đảo (tỉnh Bà Rịa, Vũng Tàu) không phê chuẩn quyết định khởi tố một đối tượng có hành vi trộm 116 quả trứng vích với lý do “trứng Vích không phải là sản phẩm của Vích vì không qua chế biến từ một cá thể Vích". Và do đó không thể khởi tố vụ án hay bị can được. Viện Kiểm sát nhân dân huyện Côn Đảo cũng đã xin ý kiến Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu và được trả lời không đủ yếu tố cấu thành tội phạm. 

Tuy nhiên, trong Công văn số 538/PLHSHC-HS ngày 9/8/2016 về việc góp ý kiến xác định loài thuộc danh mục nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ của Vụ Pháp luật Hình sự - Hành chính thuộc Bộ Tư pháp gửi Ban quản lý Vườn Quốc gia Côn Đảo, cơ quan này đã giải thích: “Theo quy định tại Điều 3 Luật Thú y năm 2015 (trước đây là Pháp lệnh Thú y) thì trứng của động vật trên cạn hay động vật dưới nước đều là sản phẩm của chúng. Như vậy, theo quy định của pháp luật hiện hành thì trứng Vích là sản phẩm của con Vích”. Đồng quan điểm trên, bà Bùi Thị Hà, Phó Giám đốc phụ trách chương trình Chính sách – Pháp luật của ENV cho biết: “Theo quy định tại Điều 190 Bộ luật hình sự 1999 (sửa đổi, bổ sung 2009), hành vi vận chuyển, buôn bán sản phẩm, bộ phận của loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ như vích đều phải ngay lập tức bị xem xét truy cứu trách nhiệm hình sự bất kể số lượng, khối lượng hay giá trị tang vật. Tuy theo Nghị định 160/2013/NĐ-CP, trứng vích là “mẫu vật” của loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ nhưng rõ ràng trong trường hợp 2 quy phạm pháp luật cùng quy định một vấn đề, văn bản có hiệu lực pháp lý cao hơn sẽ được áp dụng. Vậy nên trứng Vích phải được coi là sản phẩm của Vích như Bộ Tư pháp đã phân tích và các cơ quan chức năng huyện Côn Đảo có đầy đủ căn cứ pháp lý để khởi tốvụ án cũng như truy cứu trách nhiệm hình sự đối với đối tượng trộm trứng Vích.”

Vích (Chelonia mydas) và các loài rùa biển khác là loài ĐVHD nguy cấp, quý, hiếm thuộc Phụ lục I của Công ước về việc buôn bán quốc tế động, thực vật hoang dã nguy cấp (CITES) và đồng thời nằm trong Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ của Việt Nam, ngang hàng với hổ, voi, tê giác. Dẫu vậy, vì một lý do nào đó, những vi phạm liên quan đến Vích nói riêng và rùa biển nói chung vẫn chưa được xử lý thỏa đáng, dù hậu quả để lại có đặc biệt nghiêm trọng cho loài này và các quy định pháp luật thì đã rõ “như ban ngày”.

Cuối năm 2014, cơ quan chức năng đã bắt giữ hơn 10 tấn rùa biển, tương đương 7.000 cá thể 6 nhà kho ở thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa. So với vi phạm liên quan đến một cá thể hổ hay vài tạ sừng tê, thì với số lượng rùa biển khổng lồ này, các đối tượng vi phạm xứng đáng với khung hình phạt cao nhất theo pháp luật. Tuy nhiên, cho đến nay, gần 2 năm sau khi bị phát hiện, những đối tượng trong vụ việc vẫn đang nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật. Bà Hà đặt bức xúc: “Đối tượng vận chuyển 1 cá thể hổ đông lạnh hay 31 kg sừng tê thì bị bắt giữ, khởi tố ngay lập tức. Nhưng nếu ăn trộm trứng Vích, mà lẽ ra nếu được nuôi ấp, 80% sẽ nở thành Vích con, hay tệ hơn là giết hại 7000 cá thể rùa biển thì thậm chí còn không bị xem xét xử lý hình sự. Lẽ nào lại còn có “thứ tự ưu tiên” xử lý vi phạm đối với các loài trong danh mục được ưu tiên bảo vệ?”

Bà Hà đề xuất: “Viện Kiểm sát nhân dân huyện Côn Đảo nên nhanh chóng phê chuẩn quyết định khởi tố vụ án và khởi tố bị can đối với đối tượng trộm hơn 100 quả trứng rùa biển. Đó không chỉ là việc làm đúng đắn, tuân thủ các quy định của pháp luật về bảo vệ ĐVHD, mà còn là hành động kịp thời ngăn chặn những mối đe dọa trực tiếp tới sự phát triển của loài rùa biển nói chung và vích tại Việt Nam.”

Tin Môi Trường
Theo www.tinmoitruong.vn(lntrang)
In bài viết  
Bookmark
Ý kiến của bạn

Trung Quốc phóng vệ tinh Cao Phân-5 02 quan sát Trái Đất
Sứ mệnh của vệ tinh Cao Phân-5 02 là giám sát môi trường toàn diện, nâng cao năng lực quan sát siêu phổ của Trung Quốc đối với bầu khí quyển, nước và đất.


Video




© Copyright 2020 Trung tâm Thông tin Khoa học và Công nghệ - Sở Khoa học & Công nghệ TP. Cần Thơ
Địa chỉ: 118/3 Trần Phú - Phường Cái Khế - Quận Ninh Kiều - thành phố Cần Thơ
Giấy phép số: 05/ GP-TTĐT, do Sở Thông tin và Truyền Thông thành phố Cần Thơ cấp ngày 23/5/2017
Trưởng Ban biên tập: Ông Vũ Minh Hải - Giám Đốc Trung tâm Thông tin Khoa học và Công nghệ - Sở Khoa học & Công nghệ TP. Cần Thơ
Ghi rõ nguồn www.trithuckhoahoc.vn khi bạn sử dụng lại thông tin từ website này
-->