Nông nghiệp [ Đăng ngày (20/04/2021) ]
Ảnh hưởng của chế độ cạo nhịp độ thấp (d5, d6) đến năng suất mủ cao su, năng suất lao động và các chỉ tiêu sinh lý mủ trên dòng vô tính RRIV 106 tại Đồng Phú
Sự thiếu hụt lao động cạo mủ đang trở thành một trong những khó khăn nhất với các Công ty sản xuất cao su thiên nhiên tại Việt Nam. Do đó, nghiên cứu này đã được thực hiện nhằm góp phần xác định chế độ cạo phù hợp trong điều kiện thiếu hụt lao động. Thí nghiệm được thực hiện trong 2 năm (2018 và 2019) trên dòng vô tính RRIV 106 tại Công ty cao su Đồng Phú thuộc tỉnh Bình Phước. Kết quả cho thấy cây cao su ở các nghiệm thức cạo nhịp độ thấp (d5 và d6) có năng suất cá thể trên lần cạo (g/c/c) gia tăng so với nhịp độ d4. Mục đích của nghiên cứu nhằm đánh giá tác động của các chế độ cạo nhịp độ thấp đến năng suất mủ, năng suất lao động cạo mủ và các chỉ tiêu liên quan đến năng suất mủ, từ đó góp phần xác định chế độ cạo phù hợp trong điều kiện thiếu hụt lao động cạo mủ.

Ngành sản xuất cao su thiên nhiên đang phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt lao động cạo mủ ngày càng nghiêm trọng. Tất các nỗ lực về cơ giới hóa trong cạo mủ cho đến nay đều thất bại. Vì vậy, việc nghiên cứu các chế độ cạo theo hướng giảm công lao động, tăng năng suất lao động đang được quan tâm. Trong đó chế độ cạo nhịp độ thấp (tăng thời gian nghỉ giữa 2 lần cạo, từ đó tăng số phần cạo trên mỗi công nhân cạo mủ) kết hợp tăng tần số sử dụng chất kích thích mủ hợp lý là hướng nghiên cứu có thể đáp ứng được yêu cầu nêu trên. Nhiều nghiên cứu đã được thực hiện và chứng minh rằng chế độ cạo nhịp độ thấp giúp giảm nhu cầu lao động cạo mủ, việc chấp nhận nhịp độ cạo d4 (bốn ngày cạo một lần) hoặc d6 (sáu ngày cạo một lần) cơ bản có thể giảm nhu cầu về lao động cạo mủ, tăng thu nhập cho người lao động.

Nghiên cứu được tiến hành trong 2 năm cạo liên tục, từ tháng 4 năm 2018 đến tháng 01 năm 2020. Thí nghiệm một yếu tố gồm 6 nghiệm thức được bố trí theo kiểu khối đầy đủ ngẫu nhiên, với 3 lần lặp lại, quy mô mỗi thí nghiệm là ½ phần cạo (250 đến 260 cây/ô cơ sở). Mỗi nghiệm thức là 1 chế độ cạo được kết hợp giữa nhịp độ cạo (d4, d5, d6) và tần số kích thích mủ 4 đến 10 lần/năm theo nguyên tác giảm nhịp độ cạo tăng tần số kích thích mủ. Các cây thí nghiệm được cạo với chiều dài miệng cạo ngửa là 1 2 vòng thân cây, cạo liên tục 10 tháng/năm (từ tháng 4 đến tháng 1 năm kế tiếp).

Năng suất mủ được theo dõi cả mủ nước (latex) và mủ tạp (cup lump) theo từng lần cạo trong năm trên từng ô cơ sở. Tính năng suất mủ quy khô trên cây trên lần cạo (g/c/c), năng suất lao động cạo mủ (kg/phần cạo/ngày), năng suất mủ quy khô trên vườn cây trên năm (kg/ha/năm). Hàm lượng cao su khô (DRC, %): được theo dõi 2 lần/tháng theo từng ô cơ sở. Các chỉ tiêu sinh lý mủ: Theo dõi 4 chỉ tiêu là hàm lượng đường (Sucrose mM), Thiols (R-SH, mM), lân vô cơ (Pi, mM) và tổng hàm lượng chất rắn (TSC, %). Mẫu được lấy gộp của 20 cây đại diện trên từng ô cơ sở và được phân tích theo phương pháp của Viện Nghiên cứu Cao su Việt Nam. Tần số theo dõi 1 lần/năm vào tháng 11. Tỷ lệ khô mặt cạo được theo dõi vào tháng 6 và tháng 12 hàng năm.

Các nghiệm thức cạo nhịp độ thấp (d5 và d6) có năng suất cá thể trên lần cạo tăng so với nhịp độ d4. Trong đó các nghiệm thức cạo nhịp độ d5 kết hợp sử dụng chất kích thích mủ ET 2,5% bôi 6 và 8 lần/năm (d5, ET.6/y; d5, ET.8/y) cho năng suất các thể trên lần cạo tăng 23 đến 27% và các nghiệm thức cạo nhịp độ d6 (d6, ET.8/y; d6, ET.10/y) tăng 45 đến 47% so với đối chứng (d4, ET.4/y). Năng suất lao động cạo mủ cũng gia tăng tương ứng. Nhu cầu lao động cạo mủ giảm từ 20% ở nhịp độ d5 và giảm 33% ở nhịp độ d6 so với nhịp độ d4. Năng suất vườn cây (kg/ha/năm) của các chế độ cạo nhịp độ nhịp độ d5 và d6 đạt tương đương (98 đến 101%) so với đối chứng.

Các chế độ cạo không tác động đến các chỉ tiêu sinh lý mủ, tỷ lệ khô mặt cạo và hàm lượng cao su khô (DRC, %).

tnttrang
Theo Tạp chí Nông nghiệp và Phát triển - Đại học Nông Lâm TP. Hồ Chí Minh - Số 5/2020
In bài viết  
Bookmark
Ý kiến của bạn

Video




© Copyright 2020 Trung tâm Thông tin Khoa học và Công nghệ - Sở Khoa học & Công nghệ TP. Cần Thơ
Địa chỉ: 118/3 Trần Phú - Phường Cái Khế - Quận Ninh Kiều - thành phố Cần Thơ
Giấy phép số: 05/ GP-TTĐT, do Sở Thông tin và Truyền Thông thành phố Cần Thơ cấp ngày 23/5/2017
Trưởng Ban biên tập: Ông Vũ Minh Hải - Giám Đốc Trung tâm Thông tin Khoa học và Công nghệ - Sở Khoa học & Công nghệ TP. Cần Thơ
Ghi rõ nguồn www.trithuckhoahoc.vn khi bạn sử dụng lại thông tin từ website này
-->