Nông nghiệp [ Đăng ngày (12/03/2021) ]
Đánh giá chất lượng và quá trình nảy mầm của hạt giống Sâm Ngọc Linh
Chất lượng hạt giống sâm Ngọc Linh là một trong những yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến quá trình nảy mầm và tỷ lệ hình thành cây giống. Trong nghiên cứu này, chúng tôi tiến hành đánh giá sự biến đổi kích thước của hạt sâm Ngọc Linh và mối quan hệ giữa khối lượng hạt với khả năng nảy mầm; cũng như nghiên cứu cấu trúc, sự phát triển của phôi và quá trình nảy mầm của hạt.

Sâm Ngọc Linh có tên khoa học là Panax vietnamensis Ha et Grushv., thuộc họ Araliaceae. Đây là loài thảo dược quý và đặc hữu của Việt Nam, phân bố ở vùng núi Ngọc Linh thuộc hai tỉnh Quảng Nam và Kon Tum Từ phần dưới mặt đất của cây sâm Ngọc Linh đã phân lập được 52 hợp chất saponin bao gồm 26 saponin đã biết và 26 saponin có cấu trúc mới. Các saponin được xem là hoạt chất quyết định cho các tác dụng dược tính, sinh học của sâm Ngọc Linh như: ngăn ngừa các tế bào ung thư, bảo vệ gan, kích thích hệ miễn dịch,….Hiện nay, bên cạnh công nghệ nuôi cấy phôi soma, việc nhân giống sâm Ngọc Linh chủ yếu được tiến hành bằng phương pháp gieo hạt Hạt sâm Ngọc Linh có thời gian ngủ nghỉ khá dài (khoảng 120 ngày). Đây là một trong các yếu tố gây khó khăn cho việc nhân giống bằng hạt ở cây sâm Ngọc Linh.

Ở Việt Nam, việc nghiên cứu về xây dựng quy chuẩn chất lượng hạt giống trong sản xuất sâm Ngọc Linh còn rất hạn chế. Phần lớn các báo cáo tập trung vào kết quả xây dựng quy trình nhân giống cây sâm Ngọc Linh từ hạt Các nghiên cứu đánh giá, phân loại chất lượng hạt, cũng như biện pháp phá ngủ nghỉ hạt ở cây sâm Ngọc Linh còn chưa được chú trọng. Mục tiêu của nghiên cứu này là đánh giá sự biến đổi kích thước của hạt sâm Ngọc Linh và mối quan hệ giữa khối lượng hạt với khả năng nảy mầm; nghiên cứu cấu trúc, sự phát triển của phôi và quá trình nảy mầm của hạt.

Để đánh giá chất lượng hạt giống, tổng số 2.000 hạt sâm Ngọc Linh đã được thu thập từ các cây mẹ 6 năm tuổi trồng dưới tán rừng tại tỉnh Kon Tum. Kết quả nghiên cứu đã xác định được tần suất phân bố hạt theo khối lượng, chiều dài, chiều rộng và độ dày. Giữa khối lượng hạt và chiều dài, chiều rộng và khối lượng hạt có mối quan hệ tuyến tính thuận. Khối lượng hạt ảnh hưởng đến tốc độ nứt vỏ, tỷ lệ nảy mầm hình thành cây con, nhưng không ảnh hưởng đến tỷ lệ nứt vỏ. Hạt có khối lượng ≥ 50mg cho tỷ lệ nảy mầm hình thành cây con cao nhất đạt 96,17 ± 3,62%. Phôi hạt (quả chín đỏ) sau thu hoạch vẫn chưa phát triển hoàn toàn, kích thước trung bình đạt 0,81 ± 0,08mm. Sau 60 ngày phân tầng, phôi hạt phát triển hoàn toàn gồm: lá mầm, trụ dưới lá mầm, và rễ mầm, chiều dài trung bình đạt 7,05 ± 0,95mm. Cây sâm Ngọc Linh là cây 2 lá mầm, quả chín đỏ có phôi chưa phát triển hoàn toàn. Hạt sâm Ngọc Linh có phương thức nảy mầm dưới lòng đất.

tnttrang
Theo tapchi.vnua.edu.vn - Số 02/2021
In bài viết  
Bookmark
Ý kiến của bạn

Video




© Copyright 2020 Trung tâm Thông tin Khoa học và Công nghệ - Sở Khoa học & Công nghệ TP. Cần Thơ
Địa chỉ: 118/3 Trần Phú - Phường Cái Khế - Quận Ninh Kiều - thành phố Cần Thơ
Giấy phép số: 05/ GP-TTĐT, do Sở Thông tin và Truyền Thông thành phố Cần Thơ cấp ngày 23/5/2017
Trưởng Ban biên tập: Ông Vũ Minh Hải - Giám Đốc Trung tâm Thông tin Khoa học và Công nghệ - Sở Khoa học & Công nghệ TP. Cần Thơ
Ghi rõ nguồn www.trithuckhoahoc.vn khi bạn sử dụng lại thông tin từ website này
-->