Xây dựng [ Đăng ngày (11/04/2013) ]
Kiên cố hóa kênh mương phải bằng công nghệ mới
Kênh mương giữ vai trò đặc biệt quan trọng đối với công trình thủy lợi. Do đó, trong những năm gần đây, nhất là trong công cuộc xây dựng nông thôn mới, Chính phủ và các cơ quan ban ngành đã tập trung các nguồn lực thực hiện các chương trình kiên cố hóa kênh mương, đầu tư xây dựng các công trình thủy lợi tưới tiêu lớn giải quyết tình trạng khô hạn và thiếu nước sinh hoạt cho người dân.

Tuy nhiên, nhìn lại công việc xây dựng này, nước ta vẫn chỉ sử dụng công nghệ thi công thủ công dẫn đến chất lượng công trình vừa đưa vào sử dụng một thời gian đã xuống cấp.

Công nghệ lạc hậu vẫn đưa vào sử dụng

Hiện nay, những công trình kênh mương kiên cố hóa dần hiện lên, thể hiện với vai trò rõ nét trong đời sống nông nghiệp, nông thôn cũng như tham gia hỗ trợ người dân phát triển kinh tế. Có dịp đi qua và chứng kiến nhiều công trình xây dựng kênh mương, chúng tôi thấy rằng các đơn vị hiện nay vẫn thi công mái dốc bằng phương pháp đá hộc hoặc xây bằng các tấm đan đúc sẵn. Việc thi công như vậy, cần khá nhiều lao động và tốn thời gian chuẩn bị mặt bằng, đúc sẵn tấm đan đến việc lắp đặt và hoàn thiện. Tuy mất nhiều công sức thi công, nhưng nhìn lại, phương pháp này vẫn không mang lại chất lượng tốt cho công trình. Các kênh mương được lát mái bằng tấm bê tông thường bị sụt mái, lõm vào, phình ra làm hỏng hệ thống kênh mương, gây thất thoát nước và công trình xuống cấp nhanh chóng. Loại hư hỏng này chúng ta thường thấy rất nhiều trên các kênh sử dụng tầng lọc là vải địa kỹ thuật và lát các tấm bê tông bên ngoài như kênh Liễn Sơn – Vĩnh Phúc; kênh chính Đồng Cam – Phú Yên… Tại những đoạn kênh này, các tấm đan có khe hở lớn làm cho nước dễ dàng thấm qua gây mềm hóa lớp nền phía dưới, lâu dần dẫn đến sụt lún theo từng mảng.

Một biện pháp nữa, hiện nay cũng đang được các đơn vị thi công kiên cố hóa kênh mương, đó là đổ trực tiếp bê tông lên mái kênh bằng thủ công hay kết hợp các thiết bị thi công tự chế cho năng suất lao động không cao, sử dụng nhiều lao động, tốn kém chi phí… Sử dụng phương pháp này, cũng khiến công trình xuống cấp bởi bê tông sẽ không trộn đúng tỷ lệ, không đạt yêu cầu kỹ thuật… Trước hiện trạng kiên cố hóa kênh mương như hiện nay, tại một hội thảo khoa học về Những vấn đề đối mặt với công trình thủy lợi, thủy điện được tổ chức cuối năm 2012, ông Vũ Bá Dũng, GĐ Cty TNHH đầu tư phát triển công nghệ và thiết bị XD Việt Thịnh Phát và ông Nguyễn Hồng Ngân – ĐH Bách khoa TP HCM có nhận định rằng: Chúng ta hiện đang thi công các công trình thủy lợi từ nhỏ đến lớn bằng công nghệ lạc hậu. Mặc dù chi phí ban đầu thấp hơn so với việc áp dụng công nghệ mới, nhưng những tổn thất không thể thống kê được khi thất thoát nước, chi phí sửa chữa hàng năm.

Đã có công nghệ mới

Nhìn ra thế giới, các nước đã nghiên cứu và ứng dụng các công nghệ thi công bê tông kênh mương từ lâu. Chẳng hạn như hãng Gomaco đã từ lâu nổi tiếng về thiết bị rải bê tông. Công nghệ thi công được cơ giới hóa và tự động hóa từ khâu chuẩn bị đến khâu rải và hoàn thiện mặt bê tông. Với công nghệ này, cho phép thi công được hầu hết các kết cấu công trình kênh mương trong mọi điều kiện thi công, còn chất lượng thì đảm bảo từ khâu chuẩn bị nền móng, rải bê tông đến thi công hoàn thiện. Tuy nhiên, với điều kiện nước ta thì công nghệ này được nhận định là đắt và chưa hoàn toàn phù hợp với khả năng vì phụ thuộc nước ngoài từ công nghệ đến việc bảo hành, thay thế phụ tùng.

Nhưng năm 2009, tại Việt Nam, trường ĐH Bách khoa TP HCM cũng đã nghiên cứu chế tạo thành công tổ hợp thiết bị rải thảm bê tông xi măng mái kênh phục vụ dự án kênh đào Phước Hòa – Bình Dương. Theo ông Nguyễn Hồng Ngân – chủ bộ môn máy xây dựng – khoa cơ khí - ĐH Bách khoa TP HCM, thì thiết bị này có các thông số kỹ thuật gần tương đương với thiết bị của Mỹ nhưng chi phí đầu tư chỉ chưa bằng một nửa. Còn chất lượng thiết bị và công trình đã được các nhà thầu và chủ đầu tư dự án Phước Hòa kiểm chứng với việc công trình hoàn thành đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng, công trình được khánh thành giai đoạn 1 vào ngày 12-2011. Sau khi thành công dự án này, trường ĐH BK TPHCM và Cty TNHH đầu tư phát triển công nghệ và thiết bị XD Việt Thịnh Phát đã bắt tay vào nghiên cứu hoàn thiện công nghệ rải bê tông theo hướng hiện đại và tự động hóa; không những thực hiện các dự án rải mái kênh, đập, các công trình bê tông mái dốc mà còn có thể thi công bê tông mặt ngang như đường bê tông xi măng, sân bay, bến cảng…

Có thể thấy, Việt Namđã bước đầu làm chủ được công nghệ thi công bê tông tiên tiến có mặt trên thế giới. Công nghệ này có thể ứng dụng rộng rãi từ các dự án kênh mương trung bình đến lớn, vai đập thủy lợi, thủy điện… Và, với công nghệ thi công như hiện nay, các địa phương khi áp dụng sẽ đạt lợi ích lớn, đó là vừa tiết kiệm chi phí lại rút ngắn thời gian thi công, đảm bảo chất lượng công trình.

Bảo Ngọc
Theo http://www.baoxaydung.com.vn (nthieu)
In bài viết  
Bookmark
Ý kiến của bạn

Video




© Copyright 2020 Trung tâm Thông tin Khoa học và Công nghệ - Sở Khoa học & Công nghệ TP. Cần Thơ
Địa chỉ: 118/3 Trần Phú - Phường Cái Khế - Quận Ninh Kiều - thành phố Cần Thơ
Giấy phép số: 05/ GP-TTĐT, do Sở Thông tin và Truyền Thông thành phố Cần Thơ cấp ngày 23/5/2017
Trưởng Ban biên tập: Ông Vũ Minh Hải - Giám Đốc Trung tâm Thông tin Khoa học và Công nghệ - Sở Khoa học & Công nghệ TP. Cần Thơ
Ghi rõ nguồn www.trithuckhoahoc.vn khi bạn sử dụng lại thông tin từ website này
-->