Nông nghiệp [ Đăng ngày (20/04/2021) ]
Phân lập và xác định vi khuẩn lactic từ đất trồng rau tại Đà Lạt, Lâm Đồng
Vi khuẩn lactic (lactic acid bacteria, LAB) được ứng dụng rộng rãi trong nông nghiệp, có tác dụng trong việc cải tạo đất, kiểm soát sinh học, phòng trừ bệnh và kích thích tăng trưởng cây trồng. LAB đã được phân lập từ nhiều nguồn khác nhau như trên thực vật và các sản phẩm lên men chua truyền thống. Tuy nhiên, các nghiên cứu về LAB trong đất còn hạn chế. Nghiên cứu này được thực hiện nhằm phân lập, tuyển chọn và định danh các chủng LAB có hoạt tính sinh học cao từ mẫu đất trồng rau có tiềm năng ứng dụng sản xuất chế phẩm sinh học góp phần phát triển nền nông nghiệp bền vững.

Đất xung quanh vùng rễ cây rau được thu như sau: dùng muỗng sạch loại bỏ lớp đất mặt (khoảng 5 cm) và lấy khoảng 100 g đất, mỗi luống lấy đất ở 5 điểm khác nhau rồi trộn đều và lấy khoảng 100 g cho vào túi zip sạch và được tính là một mẫu. Ghi rõ thời gian, địa điểm và loại rau khi thu mẫu. Mẫu đất được trữ trong thùng lạnh (< 10°C, có đá gel), vận chuyển về phòng thí nghiệm và được phân tích trong vòng 2 ngày. Vi khuẩn lactic được phân lập trên môi trường MRS agar có chứa 1% CaCO3, ủ ở 30°C trong 3 ngày. Các khuẩn lạc nghi ngờ là LAB được chọn lọc dựa vào vòng phân giải CaCO3 trên đĩa môi trường.

Từ 33 mẫu đất trồng rau thu thập tại thành phố Đà Lạt (Lâm Đồng) đã phân lập được 25 chủng vi khuẩn lactic. Các chủng phân lập có khuẩn lạc nhỏ, tròn, lồi, màu trắng đục, bờ đều, tế bào hình que ngắn kết đôi hoặc xếp chuỗi, Gram dương, catalase âm tính. Dựa vào khả năng sinh acid lactic, đã chọn được 05 chủng LAB (kí hiệu DT2, CT3, CC2, XL7 và S2) có khả năng sinh acid mạnh với đường kính vòng phân giải CaCO3 trên đĩa thạch MRS từ 1,03 – 1,33 cm và sinh 11,8 – 14,3 mg/mL acid sau 2 ngày ủ ở 30°C. Tất cả các dòng LAB tuyển chọn có khả năng kháng Fusarium oxysporum ở mức độ 1 với tỉ lệ ức chế từ 10,66 – 19,96% và kháng Phytopthora sp. ở mức độ 3 với tỉ lệ ức chế từ 50,86 – 57,44% sau 3 ngày. Các dòng LAB không thể hiện tính kháng với E. coli và Staphylococcus aureus, nhưng kháng với Bacillus spizizenii và Salmonella typhi với đường kính vòng vô khuẩn lần lượt 3,33 – 4,90 mm và 2,43 – 3,37 mm sau 1 ngày ủ. Các dòng LAB tuyển chọn có trình tự 16S rRNA tương đồng 97 – 100% với Lactobacillus plantarum.

tnttrang
Theo Tạp chí Nông nghiệp và Phát triển - Đại học Nông Lâm TP. Hồ Chí Minh - Số 4/2020
In bài viết  
Bookmark
Ý kiến của bạn

Video

Công nghiệp  
   
Xây dựng  
 
Ứng dụng GIS trong công tác quản lý phát triển đô thị
Nhằm mục đích ứng dụng công nghệ thông tin và hệ thống thông tin địa lý GIS nâng cao năng lực quản lý Nhà nước trong công tác kiến trúc, quy hoạch phục vụ quản lý phát triển đô thị, cần triển khai đồng bộ các nội dung sau: xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về hệ thống đô thị, quy hoạch xây dựng và quy hoạch đô thị; xây dựng hệ thống hỗ trợ quyết sách quy hoạch; xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về quy chuẩn, tiêu chuẩn trong công tác kiến trúc, quy hoạch; xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về điển hình hóa trong kiến trúc, quy hoạch; xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về công trình kiến trúc theo vùng miền; xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về nhà ở tại các địa phương; xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về hiện trạng phát triển đô thị tại các địa phương.


 



© Copyright 2020 Trung tâm Thông tin Khoa học và Công nghệ - Sở Khoa học & Công nghệ TP. Cần Thơ
Địa chỉ: 118/3 Trần Phú - Phường Cái Khế - Quận Ninh Kiều - thành phố Cần Thơ
Giấy phép số: 05/ GP-TTĐT, do Sở Thông tin và Truyền Thông thành phố Cần Thơ cấp ngày 23/5/2017
Trưởng Ban biên tập: Ông Vũ Minh Hải - Giám Đốc Trung tâm Thông tin Khoa học và Công nghệ - Sở Khoa học & Công nghệ TP. Cần Thơ
Ghi rõ nguồn www.trithuckhoahoc.vn khi bạn sử dụng lại thông tin từ website này
-->