Ứng dụng [ Đăng ngày (13/10/2021) ]
Động lực then chốt phát triển bền vững
Kết quả hoạt động khoa học và công nghệ (KH&CN) đã đóng góp hiệu quả, là động lực then chốt để phát triển bền vững các lĩnh vực của ngành Công Thương, đặc biệt trước xu thế toàn cầu hóa và tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 (CMCN) ngày càng sâu rộng.

Cửa xả thủy điện do Công ty Cổ phần Cơ khí điện lực chế tạo

Trong thời gian qua, từng ngành, lĩnh vực của ngành Công Thương đều đẩy mạnh việc nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao KH&CN. Chẳng hạn, trong lĩnh vực khai thác than, hoạt động KH&CN đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao năng lực cạnh tranh, góp phần đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa ngành than. Một số công trình dự án có tính ứng dụng cao trong thực tiễn, góp phần giảm chi phí, như thông qua Dự án "Nghiên cứu chế tạo thiết bị, công nghệ thi công đào giếng và trục tải giếng đứng ứng dụng cho mỏ than hầm lò Núi Béo", lần đầu tiên Việt Nam tiếp cận làm chủ công nghệ tiên tiến, giúp tăng tính chủ động, giảm chi phí tư vấn, thiết kế khoảng 30% so với thuê nước ngoài; góp phần nội địa hóa 2/3 giá trị, giảm 17 - 20% giá thành so với thiết bị nhập khẩu.

Đối với lĩnh vực cơ khí, Viện Nghiên cứu cơ khí, Tổng công ty Máy và Thiết bị công nghiệp đã làm chủ thiết kế chế tạo thiết bị cơ khí thủy công như các loại van cung, van phẳng có kích thước lớn, độ phức tạp cao cung cấp cho công trình xây dựng nhà máy thủy điện trên cả nước, góp phần đẩy nhanh tiến độ, hoàn thành xây dựng Nhà máy Thủy điện Sơn La. Trong lĩnh vực điện và thiết bị điện, Công ty Cổ phần Chế tạo thiết bị điện Đông Anh đã làm chủ thiết kế, chế tạo các chủng loại biến áp như: Máy biến áp 220kV - 250kVA, máy biến áp điện lực 3 pha 500kV -3x150MVA với chất lượng tương đương sản phẩm cùng loại của các nước châu Âu, trong khi giá bán giảm 15 - 20%, đưa Việt Nam là nước đầu tiên của khu vực Đông Nam Á chế tạo thành công chủng loại máy biến áp này.

Đây là những minh chứng cho thấy, KH&CN có vai trò quan trọng và đóng góp tích cực trong sự phát triển của ngành Công Thương. Theo Vụ KH&CN (Bộ Công Thương), trong quá trình triển khai các nhiệm vụ KH&CN theo định hướng ứng dụng vào sản xuất, Bộ Công Thương đã chỉ đạo các tổ chức KH&CN, doanh nghiệp (DN) phối hợp triển khai và sử dụng hiệu quả kinh phí từ nguồn KH&CN cấp Bộ, các chương trình/đề án quốc gia Chính phủ giao cho Bộ Công Thương chủ trì, kinh phí từ Quỹ Phát triển KH&CN của DN. Điều này góp phần tăng cường năng lực cho các tổ chức KH&CN, đẩy mạnh ứng dụng KH&CN vào hoạt động sản xuất, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng và khả năng cạnh tranh của DN.

Ngoài hoạt động tích cực nghiên cứu, làm chủ công nghệ từ khối các viện nghiên cứu, để đáp ứng yêu cầu của hoạt động sản xuất, kinh doanh và khả năng cạnh tranh trên thị trường, DN ngành Công Thương đã chủ động đầu tư, đưa công nghệ hiện đại vào sản xuất. Một số tập đoàn, tổng công ty, các ngành như điện lực, dầu khí, bia - rượu - nước giải khát... có mức độ ứng dụng công nghệ tiên tiến cao, nhiều công nghệ từ cuộc CMCN 4.0 đã được ứng dụng, triển khai.

Thời gian tới, bên cạnh việc triển khai trọng tâm và hiệu quả các chương trình KH&CN hiện có, ưu tiên giải quyết những yêu cầu bức thiết từ thực tế phát triển của từng ngành, lĩnh vực; nhanh chóng nắm bắt các xu hướng phát triển mới, Bộ Công Thương phối hợp với Bộ KH&CN tập trung xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù để thúc đẩy hoạt động KH&CN trong các lĩnh vực ưu tiên, trọng điểm của ngành. Đồng thời, tập trung nguồn lực và ưu tiên tổ chức thực hiện nhiệm vụ KH&CN quy mô lớn, các chương trình KH&CN trọng điểm nhằm tạo sự đột phá, nâng cao trình độ KH&CN của ngành…

Hoạt động KH&CN của ngành Công Thương ngày càng được quan tâm, đẩy mạnh, có tính thực tiễn gắn với DN nhằm tăng cường hiệu quả cao hơn và đưa nhanh kết quả nghiên cứu KH&CN ứng dụng vào thực tiễn, đem lại hiệu quả kinh tế cao cho ngành.

N.T.T (CASTI)
Theo Bộ Công thương (www.moit.gov.vn)
In bài viết  
Bookmark
Ý kiến của bạn

Video

Công nghiệp  
 
Sự kết hợp trí tuệ nhân tạo trong sản xuất công nghiệp
Trí tuệ nhân tạo (AI) không chỉ là xu hướng mà còn là một yếu tố quan trọng đằng sau sự phát triển của tự động hóa trong ngành sản xuất công nghiệp. Điều này không chỉ đặt ra những thách thức mà còn mang lại nhiều cơ hội mới, từ việc dự đoán lỗi, nâng cao chất lượng sản phẩm đến tối ưu hóa quy trình sản xuất.


 
Xây dựng  
 
Ứng dụng GIS trong công tác quản lý phát triển đô thị
Nhằm mục đích ứng dụng công nghệ thông tin và hệ thống thông tin địa lý GIS nâng cao năng lực quản lý Nhà nước trong công tác kiến trúc, quy hoạch phục vụ quản lý phát triển đô thị, cần triển khai đồng bộ các nội dung sau: xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về hệ thống đô thị, quy hoạch xây dựng và quy hoạch đô thị; xây dựng hệ thống hỗ trợ quyết sách quy hoạch; xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về quy chuẩn, tiêu chuẩn trong công tác kiến trúc, quy hoạch; xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về điển hình hóa trong kiến trúc, quy hoạch; xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về công trình kiến trúc theo vùng miền; xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về nhà ở tại các địa phương; xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về hiện trạng phát triển đô thị tại các địa phương.


 



© Copyright 2020 Trung tâm Thông tin Khoa học và Công nghệ - Sở Khoa học & Công nghệ TP. Cần Thơ
Địa chỉ: 118/3 Trần Phú - Phường Cái Khế - Quận Ninh Kiều - thành phố Cần Thơ
Giấy phép số: 05/ GP-TTĐT, do Sở Thông tin và Truyền Thông thành phố Cần Thơ cấp ngày 23/5/2017
Trưởng Ban biên tập: Ông Vũ Minh Hải - Giám Đốc Trung tâm Thông tin Khoa học và Công nghệ - Sở Khoa học & Công nghệ TP. Cần Thơ
Ghi rõ nguồn www.trithuckhoahoc.vn khi bạn sử dụng lại thông tin từ website này
-->